1. Không cần đăng ký kinh doanh khi nào?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi tiến hành hoạt động kinh doanh, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc tổ chức kinh tế khác (các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế theo luật đầu tư). Với các trường hợp cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ thuộc quy định của nghị định 39/2007/NĐ-CP thì không cần phải đăng ký kinh doanh.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP các đối tượng không cần đăng ký kinh doanh bao gồm:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP cũng quy định về các đối tượng không cần đăng ký hộ kinh doanh như sau:

​"Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”

Theo đó, nếu cá nhân thuộc các trường hợp trên thì không phải tiến hành hoạt động đăng ký kinh doanh, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật như: an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, giữ vệ sinh môi trường hoặc tuân thủ quy hoạch của từng địa phương, đảm bảo trật tự đô thị khi tiến hành hoạt động kinh doanh tại địa điểm nào đó.
 

Bán hàng online có phải đăng ký kinh doanh không - Luật Hà Thành Asia
 

2. Vậy bán hàng online có cần đăng ký hay không?

Việc mua bán hàng hóa, kinh doanh online cũng là một trong các hoạt động kinh doanh, thu lợi nhuận  không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nêu trên. Do đó, các chủ shop, chủ fanpage bán hàng online phải lựa chọn hình thức đăng ký kinh doanh và tiến hành đăng ký để đảm bảo đúng quy định pháp luật. Cụ thể như sau:

2.1. Đăng ký kinh doanh          

Đối với việc đăng ký kinh doanh các chủ shop, fanpage kinh doanh online có thể lựa chọn 2 hình thức đăng ký kinh doanh chính:

(1) Đăng ký thành lập hộ kinh doanh

* Ưu điểm: Thủ tục thành lập nhanh, quản lý đơn giản, dễ dàng khai báo thuế.
* Nhược điểm: Là loại hình kinh doanh nhỏ lẻ, tính thuế khoán theo địa bàn nên rất bất lợi đối với hoạt động kinh doanh online nếu thu nhập không đều.
(2) Đăng ký thành lập công ty
Chủ shop, fanpage có thể lựa chọn dưới hình thức Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần là hình thức thành lập tương đối thông dụng ở Việt Nam.
* Ưu điểm: Là loại hình kinh doanh được nhiều người ưa chuộng, tính thuế rõ ràng qua hóa đơn chứng từ, có tư cách pháp nhân.
* Nhược điểm: Bộ máy quản lý phức tạp, cần có kế toán, thuế cao hơn so với hộ kinh doanh.

Lưu ý:

Đối với các trường hợp kinh doanh online thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật như thực phẩm, mỹ phẩm xách tay … lưu ý phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm (đối với thực phẩm) hoặc các quy định về công bố mỹ phẩm (đối với mỹ phẩm)…

Như vậy, việc cơ quan chức năng yêu cầu đăng ký kinh doanh đối với các shop và fanpage online là một biện pháp để đảm bảo tính hợp pháp với hoạt động kinh doanh và công khai, minh bạch với các hoạt động này. Việc đăng ký kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ về thuế không chỉ đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật mà còn đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, giúp cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để quản lý về chất lượng sản phẩm và xử phạt trong trường hợp một số shop online bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có bất cứ một cơ quan nào chứng nhận theo quy định pháp luật.
 
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hà Thành Asia về việc Bán hàng online có phải đăng ký kinh doanh không. Hy vọng bài viết hữu ích đối với Quý độc giả.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!