CÂU HỎI:

Chào Luật sư, tôi có thắc mắc muốn luật sư giải đáp cho tôi như sau: Tôi đánh nhau với một người bạn trong thôn và bị công an huyện triệu tập lên lấy lời khai. Vì bị người ta đánh nên tôi mới đánh lại. Hiện tại tôi rất lo lắng, mong Luật sư cho biết các trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và giải thích giúp tôi hiểu các trường hợp đó. Rất cảm ơn Luật sư.
 


TRẢ LỜI:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của Luật Hà Thành Asia. Với yêu cầu của bạn, chúng tôi trả lời như sau:
Căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì có 7 trường hợp một cá nhân có thể loại trừ trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

1. Sự kiện bất ngờ

Điều 20 BLHS năm 2015 quy định:

“Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu TNHS.”

Theo đó, sự kiện bất ngờ là trường hợp gây ra hậu quả thiệt hại cho xã hội nhưng người gây ra hậu quả thiệt hại đó không có lỗi vì họ không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi gây hậu quả. Bản chất pháp lý của sự kiện bất ngờ là người thực hiện hành vi không có lỗi do họ không tự lựa chọn thực hiện hành vi gây thiệt hại.
Họ đã không thấy trước được tính chất (hậu quả) nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra. Hoàn cảnh khách quan không cho phép họ có thể thấy trước hậu quả của hành vi và họ cũng không có nghĩa vụ (bị buộc) phải thấy trước việc gây ra hậu quả đó. Như vậy, dấu hiệu có lỗi - cơ sở để xem xét một hành vi có là tội phạm là không, và có cần thiết áp dụng các biện pháp tác động về mặt pháp lý hình sự không đã không được thỏa mãn.
Trong sự kiện bất ngờ, có 02 loại trường hợp gây thiệt hại mà không thấy trước được hậu quả thiệt hại đó là:
(i) không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả thiệt hại và
(ii) không có điều kiện để thấy trước mặc dù có nghĩa vụ phải thấy trước.
Như vậy, trong trường hợp sự kiện bất ngờ, việc chủ thể đã không thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình đã gây ra là do khách quan. Đây chính là điểm khác biệt so với các trường hợp như sự kiện bất khả kháng, tình trạng không thể khắc phục được hoặc đối với trường hợp lỗi vô ý vì cẩu thả.
 

2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Điều 21 BLHS năm 2015 quy định:

“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Theo quy định của điều luật, tình trạng không có năng lực TNHS có thể được hiểu là trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác. Như vậy, có 02 dấu hiệu để xác định tình trạng không có năng lực TNHS, cụ thể:
  1. Dấu hiệu y học (mắc bệnh, đó là người ở trong tình trạng không có năng lực TNHS là người mắc bệnh tâm thần hoặc bênh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần), đây là điều kiện cần;
  2.  Dấu hiệu tâm lý (mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển, đó là người không có năng lực nhận thức đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi gây thiệt hại và họ cũng không thể có được năng lực kiềm chế thực hiện hành vi đó), đây là điều kiện đủ.
Cả 02 dấu hiệu này có mối liên quan chặt chẽ với nhau, dấu hiệu này là tiền đề của dấu hiệu kia và ngược lại, một người vì mắc bệnh nên mất khả năng điều khiển và bị mất khả năng điều khiển vì họ mắc bệnh.
Chỉ khi nào người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác tới mức làm mất khả năng nhận thức hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra hoặc mất khả năng điều kiển hành vi của mình mới được coi là không có năng lực TNHS. Có nghĩa rằng họ phải thỏa mãn đồng thời 02 dấu hiệu trên, trong đó, dấu hiệu y học có vai trò là nguyên nhân là dấu hiệu tâm lý có vai trò là kết quả nhưng không có nghĩa mắc bệnh tâm thần là đều dẫn đến việc mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển.
 

3. Phòng vệ chính đáng

Khoản 1 Điều 22 BLHS năm 2015 quy định:

“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”

Như vậy, một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi thoả mãn các dấu hiệu sau:
  1. Có hành vi tấn công đang hiện hữu, xâm phạm quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phòng vệ, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tổ chức (cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng);
  2. Hành vi phòng vệ gây thiệt hại cho người xâm phạm là cần thiết (nội dung và phạm vi của phòng vệ chính đáng);
Tuy nhiên, nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì pháp luật vẫn yêu cầu người đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu TNHS theo quy định của Bộ luật này. Đây là trường hợp người phòng vệ do đánh giá sai tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm. Theo đó, người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó. Tuy nhiên, TNHS của họ được giảm nhẹ hơn so với các trường hợp bình thường. Mức độ TNHS được giảm nhẹ nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ vượt quá giới hạn phòng vệ và các trường hợp giảm nhẹ khác.
Do đó, cần xác định rõ trường hợp nào là phòng vệ chính đáng, trường hợp nào là vượt quá phòng vệ chính đáng để xác định việc có hay không loại trừ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc chứng minh thuộc trường hợp nào khá là khó khăn vì không có quy định rõ ràng về giới hạn, phạm vi để xác định phần vượt quá, nên trên thực tế mặc dù những vụ việc có tính chất giống nhau nhưng lại có những đường hướng giải quyết khác nhau.

 

4. Tình thế cấp thiết

Căn cứ Khoản 1 Điều 23 BLHS năm 2015 quy định:

“Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.”

 Đây là tình thế mà người đứng trước sự đe dọa đến một lợi ích được pháp luật bảo vệ, và để bảo vệ lợi ích này, người đó không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại (nhỏ hơn) cho một lợi ích khác được pháp luật bảo vệ. Để được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và không phải chịu TNHS thì phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện sau đây:
  1. Phải có sự đe dọa hiện hữu và thực tế xâm phạm đối với lợi ích được pháp luật bảo vệ (tức là lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của bản thân người thực hiện hành vi hay của người khác);
  2.  Hành vi gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để tránh thiệt hại đang bị đe dọa xảy ra;
  3.  Thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Pháp luật cũng đặt ra yêu cầu chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp vượt quá tình thế cấp thiết. Theo đó, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là trường hợp một người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác, lợi ích của Nhà nước, của tổ chức mà không còn cách nào khác là gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Đây là trường hợp chủ thể có cơ sở để hành động trong tình thế cấp thiết nhưng đã vượt quá phạm vi cho phép. Cũng giống như vượt quá yêu cầu của phòng vệ chính đáng, người có hành vi gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì cũng phải chịu TNHS.
Khoản 2 Điều 23 khẳng định:

“Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Mặc dù, vượt quá tình thế cấp thiết phải chịu TNHS nhưng được giảm nhẹ vì tính chất của động cơ và vì hoàn cảnh phạm tội. Khoản 1 Điều 51 BLHS có quy định một cách cụ thể, rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là một trong những tình tiết để giảm nhẹ TNHS. Đây cũng là tình tiết giảm nhẹ TNHS và khả năng của Toà án khi quyết định hình phạt có thể coi là tình tiết giảm nhẹ. Đó là cơ sở để giảm nhẹ hình phạt trong phạm vi của khung luật tương ứng.
 

5. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

Căn cứ Khoản 1 Điều 24 BLHS:

Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.”

Để được coi là gây thiệt hại trong bắt giữ người phạm tội là một trường hợp loại trừ TNHS, thì hành vi bắt giữ phải thỏa mãn các điều kiện sau:
  1. Hành vi bắt giữ phải thuộc về các chủ thể có thẩm quyền bắt giữ người phạm tội;
  2. Hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là biện pháp cuối cùng, không còn cách nào khác để bắt giữ người phạm tội;
  3. Hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là cần thiết.
Tuy nhiên, để ngăn ngừa việc lạm dụng quy định trên, pháp luật ghi nhận việc vượt quá yêu cầu gây ra thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội thì vẫn phải chịu TNHS. Vượt quá yêu cầu của gây thiệt hại trong bắt giữ tội phạm đó là trường hợp người có hành vi bắt giữ tội phạm đã gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết và người gây thiệt hại trong trường hợp này phải chịu TNHS.
 

6. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Căn cứ theo quy định tại Điều 25 BLHS:

“Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.”

Để coi rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ là một trường hợp loại trừ TNHS, hành vi gây thiệt hại trong trường hợp này phải thỏa mãn các điều kiện sau:
  1. Hành vi gây thiệt hại trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ phải nhằm mục đích đem lại lợi ích chung cho xã hội;
  2. Lĩnh vực của hành vi gây thiệt hại chỉ giới hạn trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ;
  3. Người gây ra thiệt hại đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa.
Trong đó, điều kiện thứ ba là điều kiện quan trọng nhất, chủ thể thể hiện tính tuân thủ pháp luật, cũng như sự thận trọng trong việc cân nhắc các khả năng có thể xảy ra, lường trước những hậu quả xấu để chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa. Chính vì vậy, mà đoạn 2 Điều 25 BLHS năm 2015 khẳng định người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu TNHS.
 

7. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên

Căn cứ  Điều 26 BLHS: 

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Để coi thi hành mệnh lệnh của người chủ huy hoặc cấp trên là một trường hợp loại trừ TNHS, thì hành vi gây thiệt hại trong trường hợp này phải thỏa mãn các điều kiện sau:
  1. Mệnh lệnh mà người có hành vi gây thiệt hại thi hành phải là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên (người có thẩm quyền) thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
  2. Mục đích của việc thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc lực lượng vũ trang phải nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
  3. Người có hành vi gây thiệt hại đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó;
  4. Việc thi hành mệnh lệnh này không thuộc trường hợp phạm tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược do thi hành mệnh lệnh của cấp trên (khoản 2 Điều 421), tội chống loài người do thi hành mệnh lệnh của cấp trên (khoản 2 Điều 422), tội phạm chiến tranh do thi hành mệnh lệnh của cấp trên (khoản 2 Điều 423).
Như vậy, hành vi gây thiệt hại thi hành mệnh lệnh của người chủ huy hoặc cấp trên thỏa mãn các điều kiện nói trên sẽ được coi là trường hợp loại trừ TNHS và người thực hiện hành vi gây thiệt hại này sẽ không phải chịu TNHS. Tuy nhiên, đối với người ra mệnh lệnh nói trên sẽ phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật.
 
Trên đây là tư vấn của Luật Hà Thành Asia về việc đánh nhau trong trường hợp nào không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên Chúng tôi chưa đưa ra phương án tư vấn cụ thể trong trường hợp của bạn được. Để được tư vấn chi tiết hơn, bạn vui lòng liên hệ:

CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!