1. Điều kiện

- Sự tự nguyện của cả hai vợ chồng là điều kiện để Tòa án công nhận ly hôn đồng thuận. Do vậy, Tòa án sẽ xem xét cho thuận tình ly hôn nếu có đủ yếu tố sau:
  • Cả vợ và chồng cùng tự nguyện ly hôn và ký vào đơn ly hôn.
  • Các bên đã thỏa thuận được việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Nếu không thỏa thuận được 1 trong các yếu tố ở trên thì được pháp luật xác định là ly hôn đơn phương mà không phải thuận tình ly hôn nữa.

2. Hồ sơ thuận tình ly hôn bao gồm:

  • Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC
  • Giấy chứng nhận kết bản chính (Nếu bị mất, thất lạc có thể xin trích lục kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn cho 2 vợ chồng)
  • Sao y chứng thực sổ hộ khẩu gia đình (Sổ hộ khẩu bị thất lạc hai vợ chồng có thể đến công an xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để xin xác nhận nơi cư trú)
  • Sao y chứng thực giấy khai sinh của con (nếu có)
  • Sao y chứng thực chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của hai bên vợ, chồng
  • Văn bản chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (nếu có)

3. Nơi nộp đơn ly hôn thuận tình

3.1. Trường hợp cả vợ và chồng đều ở trong nước

Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ đơn, cùng các giấy tờ tài liệu kèm theo, vợ chồng tiến hành nộp đơn kèm hồ sơ thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của một trong hai bên vợ hoặc chồng.
Thẩm quyền theo cấp được xác định như sau: Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện (Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự).
Thẩm quyền theo lãnh thổ được quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn theo lãnh thổ sẽ là: Nơi 1 trong 2 bên cư trú (thường trú nếu không có thường trú mới xét đến tạm trú), làm việc.

3.2. Nơi nộp đơn ly hôn thuận tình khi một bên trong hai bên vợ, chồng ở nước ngoài

Sau khi chuẩn bị đầy đủ đơn, cùng các giấy tờ tài liệu kèm theo, vợ chồng tiến hành nộp hồ sơ thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp Tỉnh nơi cư trú, làm việc của một trong hai bên vợ hoặc chồng.
Theo quy định tại khoản 1 điều 38 BLTTDS 2015 quy định thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn khi một bên là người nước ngoài thì thẩm quyền thuộc về Toà án nhân dân cấp Tỉnh.
Xét đến thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ căn cứ theo điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định thì hai bên đương sự nếu ly hôn theo hướng thuận tình có quyền tự thoả thuận về việc nộp hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nơi một trong hai bên đương sự cư trú (thường trú nếu không có thường trú thì xét đến tạm trú), làm việc tại Việt Nam để giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

4. Phương thức nộp đơn ly hôn thuận tình

Vợ, chồng chuẩn bị đủ hồ sơ ly hôn thuận tình gửi đến Tòa án nhân dân huyện nơi một trong hai bên cư trú, làm việc bằng các phương thức sau được quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
  • Nộp trực tiếp tại Tòa án
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính
  • Truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn, ký điện tử và gửi đến Tòa án. Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

5. Những trường hợp tòa án không nhận đơn ly hôn thuận tình

Không phải trong mọi trường hợp, người có yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nộp đơn ly hôn thuận tình lên tòa cũng được Tòa án nhận đơn và giải quyết ly hôn. Tòa án sẽ không nhận đơn thuận tình ly hôn trong các trường hợp sau đây:
  • Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn không có đủ chữ ký của hai bên vợ và chồng.
  • Trong đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn không thể hiện rõ được sự thỏa thuận của hai vợ chồng về con cái và tài sản.
  • Vợ, chồng thuận tình ly hôn nhưng làm sai mẫu đơn theo quy định của pháp luật.
  • Trong bộ hồ sơ ly hôn thuận tình, thiếu một trong các giấy tờ kể trên thì Tòa án sẽ không nhận đơn và yêu cầu về bổ sung đầy đủ.
  • Nộp đơn tại Tòa án không có thẩm quyền giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn.
Thuận tình ly hôn – Những lưu ý - Luật Hà Thành Asia - 19008963
 

6. Phí ly hôn thuận tình

Lệ phí ly hôn thuận tình (cũng có trường hợp gọi là chi phí ly hôn thuận tình) là số tiền mà người yêu cầu ly hôn phải nộp để Tòa án thực hiện thủ tục ly hôn dựa trên sự quy định của pháp luật về án phí, lệ phí.
Để tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa án, người có yêu cầu ly hôn phải nộp hồ sơ tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết việc ly hôn.
Sau khi xem xét hồ sơ hợp lệ, Thẩm phán sẽ dự tính số tiền tạm ứng án phí và thông báo cho người có yêu cầu ly hôn để họ nộp tiền tạm ứng án phí giải quyết vụ việc ly hôn.
Ai phải nộp lệ phí khi ly hôn thuận tình?
Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
a) Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí;
Như vậy, trong trường hợp ly hôn thuận tình, mỗi bên đương sự sẽ phải chịu 50% mức án phí, lệ phí phải nộp.
Mức nộp lệ phí khi ly hôn thuận tình là bao nhiêu?
Ly hôn thuận tình được xác định là việc dân sự, không tranh chấp về tài sản. Căn cứ Danh mục án phí, lệ phí Tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì phí thuận tình ly hôn là 300.000 đồng.
Các trường hợp được miễn, giảm lệ phí ly hôn thuận tình
Theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, Tòa án có thể giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí mà người đó phải nộp nếu gặp sự kiện bất khả kháng khiến bản thân không còn đủ tài sản để nộp và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Trong đó, sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015. Đây là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo đó, để được giảm án phí thì vợ hoặc chồng – người có nghĩa vụ nộp phải gửi đơn cho Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giảm án phí kèm theo các chứng cứ, tài liệu chứng minh bản thân đủ điều kiện được giảm án phí.
Đơn đề nghị bắt buộc phải có các nội dung:
  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
  • Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.

7. Thời gian giải quyết ly hôn thuận tình là bao lâu?

7.1. Thời gian xem xét và thụ lý đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn ( Đ363 BLTTDS)

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.
  • 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi bổ sung hồ sơ của Thẩm phán, người yêu cầu tiến hành bổ sung hồ sơ.
  • Nếu xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.
  • 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí thì người yêu cầu tiến hành nộp lệ phí giải quyết ly hôn thuận tình, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
  • Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.
  • 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu (Điều 363 BLTTDS)
Như vậy, trong khoảng thời gian 10-15 ngày, Thẩm phán sẽ tiến hành xem xét đơn và ra quyết định thụ lý việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn để giải quyết.

7.2. Thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu

Trong thời gian này, Tòa án tiến hành các việc như: Hòa giải, yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, định giá tài sản, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, mở phiên tòa giải quyết việc dân sự.
Theo quy định tại khoản 1 điều 366 Bộ luật Tố tụng dân sự, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu.
Trường hợp chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 01 tháng theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

7.3. Thời gian mở phiên họp giải quyết việc dân sự

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 điều 366 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.
Như vậy, tổng thời gian giải quyết thuận tình ly hôn sẽ kéo dài khoảng từ 2-3 tháng. So với thời gian giải quyết ly hôn đơn phương, thời gian giải quyết thuận tình ly hôn ngắn hơn so với thời gian giải quyết ly hôn đơn phương.

8. Thuận tình ly hôn có cần hòa giải không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, với thủ tục ly hôn thuận tình, vợ chồng sẽ trải qua 2 bước hòa giải bao gồm: hòa giải tại cơ sở địa phương và hòa giải tại Tòa án, cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải ở cơ sở được hiểu là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
Với thủ tục hòa giải ly hôn tại cơ sở, căn cứ Điều 52 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải như sau: 
  1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.
Như vậy, việc hòa giải tại cơ sở chỉ được nhà nước khuyến khích chứ không phải là một thủ tục bắt buộc. Theo đó khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn thì hai bên có thể thỏa thuận với nhau về việc hòa giải ở cơ sở (thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn,…) để giúp họ hàn gắn tình cảm với nhau, tránh dẫn đến việc chấm dứt mối quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Đối với hòa giải ly hôn tại Tòa án, căn cứ Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tại Điều 10 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về hòa giải trong tố tụng dân sự như sau:
Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Và tại Khoản 2 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về vấn đề hòa giải khi ly hôn thuận tình thì:
  1. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Đối chiếu các quy định nêu trên, thì hòa giải ở tòa án là được xem thủ tục bắt buộc khi vợ chồng yêu cầu Tòa án giải quyết việc thuận tình ly hôn. Thủ tục hòa giải được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Tòa án có trách nhiệm phải tiến hành thủ tục hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để vợ chồng đoàn tụ đồng thời giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Sau khi tiến hành hòa giải thì Thẩm phán phải ra các quyết định phù hợp với kết quả đã hòa giải.
Như vậy, theo quy định hiện nay của pháp luật, ly hôn thuận tình không bắt buộc phải tiến hành hòa giải ở cơ sở địa phương mà Nhà nước chỉ khuyến khích tùy thuộc vào sự thỏa thuận của vợ chồng. Còn khi tiến hành thủ tục tại Tòa án, về nguyên tắc Tòa án có trách nhiệm phải tiến hành hòa giải để vợ chồng hàn gắn với nhau.
Tuy nhiên, Tòa án có thể không tiến hành hòa giải trong trường hợp cả hai bên vợ chồng đều đề nghị không tiến hành hòa giải vì lý do chính đáng. Lúc này, Tòa án dựa trên yêu cầu của đương sự và giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật.
Thuận tình ly hôn hòa giải mấy lần?
Hoà giải ly hôn thuận tình có thể được tổ chức từ 1 – 2 lần triệu tập hợp lệ 2 bên đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ hai bên lên trao đổi, thống nhất ý kiến:
Triệu tập hợp lệ lần 1: Nếu trường hợp 2 bên đương sự đều không có mặt ở lần hoà giải triệu tập lần 1 thì Tòa sẽ coi như 2 bên từ bỏ việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và sẽ đình chỉ giải quyết yêu cầu. Nếu trường hợp 1 bên vắng mặt trong phiên triệu tập hợp lệ lần 1 mà có lý do chính đáng thì Tòa sẽ hoãn phiên hòa giải và giải quyết vụ việc.
Triệu tập hợp lệ lần 2: Trong lần này hai bên bắt buộc phải có mặt để thảo luận trao đổi ý kiến đã thoả thuận nếu 1 bên tiếp tục vắng mặt thì Tòa sẽ coi đây là vụ việc không tiến hành hòa giải được và đưa vụ việc vào xét xử nếu có ý kiến bên còn lại vẫn muốn tiếp tục ly hôn.
Hòa giải có thể vắng mặt không?
Căn cứ theo Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 khuyến khích hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu xin ly hôn.
Khi ly hôn, pháp luật không bắt buộc phải hòa giải cơ sở mà chỉ khuyến khích các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, sau khi nộp đơn xin ly hôn thì Tòa án bắt buộc phải tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2015.
Đối với phiên hoà giải thuận tình ly hôn thì 2 bên đương sự phải có mặt ở những phiên hòa giải sớm nhất cùng trao đổi thảo luận thống nhất các vấn đề đã thỏa thuận để thủ tục ly hôn thuận tình được tiến hành một cách nhanh chóng nhất, trường hợp 1 bên vắng mặt mà không có lí do hay đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa sẽ coi là từ bỏ yêu cầu của mình và Tòa sẽ giải quyết theo hương đơn phương nếu vẫn có yêu cầu của bên còn lại.

9. Thủ tục ly hôn thuận tình

Thủ tục thuận tình ly hôn cơ bản trải qua 4 bước chính. Trong quá trình giải quyết hai bên cần hợp tác với nhau để tiến hành thủ tục được nhanh chóng, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên.
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ thuận tình ly hôn
Vợ/chồng chuẩn bị hồ sơ như trên và nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chồng hoặc người vợ đang sinh sống. Đó có thể là nơi đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú hoặc là nơi làm việc của vợ hoặc chồng.
Bước 2: Nộp lệ phí ly hôn thuận tình
Sau khi nộp hồ sơ, bạn sẽ được Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng lệ phí tại Cục thi hành án dân sự quận/huyện và sẽ nộp lại biên lai tiền tạm ứng lệ phí cho Tòa án.
Theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH lệ phí thuận tình ly hôn sẽ là 300.000 VNĐ.
Sau khi nộp tiền tạm ứng lệ phí thì vụ việc của bạn sẽ được tòa án thụ lý để giải quyết theo thủ tục chung.
Bước 3: Tiến hành phiên giao nộp, tiếp cận chứng cứ
Các bên sẽ lên Tòa án để tiến hành tiếp cận, giao nộp chứng cứ (nếu có) cho Tòa án. Trên thực tế, tiến hành phiên giao nộp và tiếp cận chứng cứ sẽ được gộp chung với bước hòa giải.
Bước 4: Tiến hành hòa giải và giải quyết ly hôn thuận tình cho các đương sự
Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Trường hợp hòa giải thành công cho vợ chồng đoàn tụ với nhau thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn của cả hai vợ chồng, nghĩa là vụ việc sẽ không được giải quyết.
Trường hợp không hòa giải được, tức là vợ chồng vẫn mong muốn được ly hôn thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận vợ chồng theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hòa giải đoàn tụ không thành mà không có bên nào nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó (thỏa thuận về con cái, tài sản, cấp dưỡng) thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

10. Những trường hợp Tòa không giải quyết ly hôn thuận tình

Không phải trong mọi trường hợp, Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì Tòa án cũng sẽ giải quyết cho ly hôn thuận tình, Tòa án sẽ không giải quyết ly hôn thuận tình trong các trường hợp sau đây:
  • Trong phiên hòa giải, hai bên vợ chồng đồng ý đoàn tụ lại với nhau thì Tòa sẽ không giải quyết ly hôn thuận tình mà lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định đình chỉ giải quyết thuận tình ly hôn.
  • Trong phiên hòa giải, một trong hai bên có yêu cầu rút đơn công nhận thuận tình ly hôn mà bên kia không đồng ý hoặc có xảy ra tranh chấp về vấn đề con cái, tài sản thì trong trường hợp này Tòa án cũng sẽ không giải quyết theo thủ tục ly hôn thuận tình mà chuyển hướng sang giải quyết theo vụ án ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên (khoản 5 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
  • Trong các phiên họp lấy lời khai, hòa giải, giao nộp tài liệu chứng cứ mà một trong hai bên vợ chồng có yêu cầu vắng mặt, không có đơn vắng mặt, không có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ xác định rằng người yêu cầu từ bỏ yêu cầu và ra quyết định đình chỉ giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn.
 
 

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!