Bố tôi là con cả trong gia đình có 6 người con (3 trai, 3 gái). Cách đây hơn 15 năm, lúc đó ông nội tôi chưa mất, ông bà nội tôi đã đồng ý cho bố tôi về xây cất một căn nhà kiên cố 70m2 trên mảnh đất của ông bà nội tôi đang ở (đồng ý bằng lời, không có giấy tờ gì). Bố tôi tin tưởng sự đồng ý của ông bà nội tôi nên cũng không làm giấy tờ ủy quyền, cho tặng gì. Hiện nay, bố mẹ tôi vẫn ở trong ngôi nhà 70m2 kia và ở trên mảnh đất của ông bà nội của tôi. Nhưng điều lo lắng nhất bây giờ là sổ đỏ mảnh vườn đó lại nằm trong tay chú em bố tôi mang tên ông bà nội tôi, trong lúc đó ông nội tôi thì đã mất rồi. Bà nội tôi thì đã già, không còn đủ minh mẫn để làm các giấy tờ như di chúc hay ủy quyền.
Câu hỏi của tôi là:
1- Mảnh vườn của ông bà nội tôi mà bố anh đang ở liệu bố tôi có đủ thẩm quyền để thừa kế sang tên hay phải xử lý như thế nào? Thủ tục giải quyết ra làm sao?
2- Nếu sau này bố tôi và các cô, chú anh có tranh chấp thì xử lý như thế nào?
Trả lời:
1- Bố anh không đủ thẩm quyền để sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi:
Thứ nhất, về việc ông bà nội cho bố anh xây nhà 70m2 trên đất:
Lúc ông nội anh chưa mất, ông bà nội anh đã đồng ý cho bố anh về xây cất một căn nhà kiên cố 70m2 trên mảnh đất của ông bà nội anh đang ở nhưng chỉ là đồng ý bằng miệng, không có giấy tờ gì nên tính rủi ro pháp lý rất cao bởi sẽ phát sinh hai trường hợp:
1- Ông bà nội anh chỉ cho bố anh xây nhà ở trên diện tích 70m2đất thôi chứ hoàn toàn không muốn tặng cho phần diện tích đất đấy cho bố anh. Mục đích của ông bà là bố anh chỉ có quyền ở trên diện tích đất trên mà không có quyền định đoạt đối với 75m2 đất trên.
2- Ông bà nội anh mục đích là muốn tặng cho bố anh luôn phần 70m2 đất. Tuy nhiên, việc đồng ý tặng cho đất chỉ là đồng ý bằng miệng mà không phải bằng văn bản nên việc tặng cho đất của ông bà nội anh cho bố anh cũng không có giá trị pháp lý bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 459 Bộ luật dân sự 2015 thì tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực:
“Điều 459. Tặng cho bất động sản
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.”
Như vậy, việc ông bà nội anh đồng ý để bố anh xây nhà 70m2 trên đất tính đến thời điểm này là không có giá trị pháp lý và bố anh không có căn cứ để sang tên quyền sử dụng đất.
2- Việc phát sinh tranh chấp sau này thì xử lý như thế nào?
Do việc tặng cho đất trước đây của ông bà nội anh không có giá trị pháp lý nên phần đất mà bố anh đang ở vẫn thuộc quyền sở hữu ông bà nội anh. Vì vậy, khi bà nội anh mất thì phần di sản mà ông bà nội anh để lại sẽ bao gồm cả phần đất của bố anh.
Trong trường hợp cả hai ông bà đều không để lại di chúc, nếu phát sinh tranh chấp giữa bố anh, các cô, chú của anh thì di sản để lại của ông bà sẽ được chia theo pháp luật và bố anh, các cô, chú của anh đều được hưởng phần di sản bằng nhau. (Điều 651 Bộ luật dân sự 2015).
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website: http://luatsuhathanh.com
http://Congtyluathathanhasia.com
Email : luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trân trọng!