Câu hỏi:

Kính chào các luật sư, tôi là Hoàng Văn B, hiện đang sống và công tác tại xã ĐG, huyện HĐ, tỉnh NA. Tôi đã lập gia đình cách đây 6 năm nhưng vợ chồng tôi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, giữa chúng tôi lại không có con chung, không có nhiều tài sản chung. Tháng 3 năm sau vợ tôi đi xuất khẩu lao động nên chúng tôi muốn tiến hành ly hôn sớm. Tuy nhiên tôi thấy bảo mặc dù thuận tình ly hôn vẫn phải tiến hành hòa giải nhiều nên rất mất thời gian.
Tôi muốn hỏi luật sư là nếu hai vợ chồng tôi thuận tình ly hôn, không yêu cầu chia tài sản chung, con chung thì chúng tôi có phải hòa giải không? Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Thuận tình ly hôn có phải hòa giải không?

 

Trả lời:

I. Căn cứ pháp lý:

  1. Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

  2. Luật hôn nhân gia đình 2014.
    II. Tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hà Thành Asia. Với nội dung bạn đã cung cấp, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Hiện nay, đối với việc ly hôn thì hòa giải có thể được tiến hành ở cơ sở và/hoặc tiến hành ở tòa án. Theo đó,

  • Đối với việc hòa giải ở cơ sở:

Theo quy định tại Điều 52 Luật hôn nhân gia đình 2014 về hòa giải ở cơ sở thì

 “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”

Như vậy với quy định trên, thì việc hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc nhưng được nhà nước khuyến khích. Cơ sở ở đây được hiểu là thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, cụm dân cư khác như xã, phường, thị trấn.
Theo quy định này, thì hòa giải ở cơ sở là giai đoạn không bắt buộc, có áp dụng thủ tục này không là theo sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng; bởi mục đích của hòa giải cơ sở được thực hiện nhằm giúp các bên tự giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ; giữ gìn, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong gia đình.

  • Đối với việc hòa giải ở tòa án:

Khoản 1, điều 397 BLTTDS 2015 quy định việc hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn như sau:

“1. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.”

     Như vậy, theo quy định trên thì khi giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn hòa giải là thủ tục bắt buộc ở Tòa án. Bởi mục đích cao nhất của việc giải quyết vụ án hay việc liên quan đến ly hôn là động viên vợ chồng đoàn tụ. Chỉ khi có cơ sở xác định không thể đoàn tụ được thì áp dụng giải pháp chấm dứt quan hệ vợ chồng.
     Khi hòa giải, Thẩm phán thực hiện việc giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình (trừ một số trường hợp không tiến hành hòa giải được hoặc không thể tiến hành hòa giải theo quy định).
     Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.
     Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;

2. Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;

3. Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

     Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do BLTTDS 2015 quy định.


Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!