BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập-Tự do-Hạnh phúc

Số: 110/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 9  năm 2007

 

 

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 104/2007/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÒI NỢ

 Thi hành Điều 29 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo và chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ như sau:

 
I. Về chế độ báo cáo
1. Đối với Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính các loại báo cáo sau theo định kỳ hàng quý, năm:
- Tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong kỳ trong đó nêu rõ số lượng hợp đồng đòi nợ đã ký với khách hàng, số lượng hợp đồng tư vấn cho khách hàng về các vấn đề pháp lý liên quan đến xử lý nợ; tổng số tiền nhận uỷ quyền đòi nợ; số tiền nợ thu được theo uỷ quyền, số lượng hợp đồng kết thúc trong kỳ (theo mẫu biểu số 1).
- Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ gửi các báo cáo tài chính khác để phục vụ cho mục tiêu quản lý.
Thời hạn gửi báo cáo quý chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý; thời hạn gửi báo cáo năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm chế độ báo cáo theo quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
 
 
2. Đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện báo cáo Bộ Tài chính về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn, bao gồm:
- Báo cáo định kỳ hàng quý, năm về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn trong đó nêu rõ (theo mẫu biểu số 2):
+ Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
+ Tổng số vốn điều lệ, doanh nghiệp có mức vốn điều lệ lớn nhất, doanh nghiệp có mức vốn điều lệ thấp nhất.
+ Tổng số nợ nhận uỷ quyền đòi nợ đến kỳ báo cáo.
+ Tổng số nợ đã đòi được theo uỷ quyền đến kỳ báo cáo.
+ Kết quả kinh doanh trong kỳ: tổng số lãi, lỗ, số doanh nghiệp lãi, số doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có số lãi (lỗ) cao nhất, doanh nghiệp có số lãi (lỗ) thấp nhất.
+ Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp.
+ Báo cáo kết quả kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong kỳ (nếu có).
Thời hạn gửi báo cáo quý chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý; thời hạn gửi báo cáo năm chậm nhất là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
- Báo cáo đột xuất theo nội dung yêu cầu của Bộ Tài chính.
 
II. Về chế độ kiểm tra giám sát
1. Kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ tài chính và việc chấp hành các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đối với các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước thông qua các hình thức kiểm tra tại chỗ và giám sát từ xa. Kết quả kiểm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được Bộ Tài chính thông báo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có doanh nghiệp được kiểm tra.
 
2. Kiểm tra, giám sát của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thông qua các hình thức kiểm tra tại chỗ và giám sát từ xa. Việc kiểm tra phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, được tiến hành theo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu quản lý.
3. Việc kiểm tra đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ của Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo quy trình, thủ tục sau
 - Việc kiểm tra được tiến hành theo Quyết định kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Quyết định kiểm tra được thông báo cho doanh nghiệp kiểm tra ít nhất là 03 (ba) ngày trước khi tiến hành kiểm tra, trừ trường hợp kiểm tra bất thường khi có vi phạm pháp luật xảy ra.
- Quyết định kiểm tra bao gồm các nội dung chính sau:
+ Căn cứ pháp lý cho việc kiểm tra;
+ Nội dung, yêu cầu, phạm vi kiểm tra;
+ Thời hạn kiểm tra;
+ Thành viên đoàn kiểm tra; quyền và trách nhiệm của người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra;
+ Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được kiểm tra.
 - Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định kiểm tra có thể gia hạn thời hạn kiểm tra. Thời gian gia hạn thêm tối đa bằng thời hạn kiểm tra đã ghi tại Quyết định kiểm tra ban đầu.
 - Sau khi kết thúc kiểm tra, người được giao nhiệm vụ kiểm tra phải có văn bản kết luận về những nội dung đã kiểm tra. Văn bản kết luận được gửi cho người ra quyết định kiểm tra và doanh nghiệp được kiểm tra.
 
III. Tổ chức thực hiện
1. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 
2. Đối với các doanh nghiệp đã được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ trước ngày Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ có hiệu lực thi hành
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp phải gửi báo cáo sau đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính:
- Hồ sơ chứng minh điều kiện về vốn: bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối tháng gần nhất.
- Hồ sơ chứng minh điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ.
Sau 60 ngày kể từ ngày Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp không thực hiện báo cáo theo quy định trên đây và doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo quy định mới sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG 

Trần Xuân Hà