Những quy định chung:

- Việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo nghi thức quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 đều không có giá trị pháp lý.

- Việc kết hôn ở trong nước thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã (giữa hai công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, kể cả trường hợp họ đang tạm trú ở nước ngoài) và UBND cấp tỉnh (giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa hai công dân Việt Nam với nhau nhưng một bên định cư ở nước ngoài). Ở nước ngoài, việc đăng ký kết hôn giữa hai công dân Việt Nam với nhau hoặc giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài do Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước nơi một trong hai bên xin đăng ký kết hôn cư trú thực hiện (Điều 57 Bộ Luật Dân sự, Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình, Điều 22 Pháp lệnh Lãnh sự, Điều 12 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài - sau đây gọi tắt là Nghị định số 68/2002/NĐ-CP).

* Lưu ý: Cơ quan đại diện chỉ tiến hành đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cư trú tại nước tiếp nhận trong trường hợp việc đăng ký đó không trái với pháp luật của nước sở tại. Trường hợp pháp luật sở tại không có quy định cụ thể thì lãnh sự có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cho biết ý kiến và chỉ đăng ký kết hôn nếu cơ quan này không phản đối. Đây là việc làm cần thiết để hôn nhân đó được công nhận ở nước sở tại.

- Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn (khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình). Cụ thể nam đã bước sang tuổi 20 (ngày hôm sau của sinh nhật lần thứ 19), nữ đã bước sang tuổi 18 (ngày hôm sau cảu sinh nhật lần thứ 17) là đủ tuổi kết hôn.

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở (khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình). Điều này được thể hiện qua việc cả hai bên nam, nữ đều ký vào Tờ khai đăng ký kết hôn và thể hiện ý kiến tại Lễ đăng ký kết hôn.

Cấm kết hôn trong những trường hợp sau đây (Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình):

-Người đang có vợ hoặc có chồng;
- Người mất năng lực hành vi dân sự;
- Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
- Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
- Giữa những người cùng giới tính. 
- Trong việc đăng ký  kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tiến hành tại các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (trong đó có Cơ quan đại diện) thì mỗi bên ngoài việc phải tuân theo pháp luật nước mình về điều kiện kết hôn, người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định tại Điều 9 và 10 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam (điều kiện về độ tuổi, tự nguyện và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn như nêu ở trên).

HỒ SƠ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

- Đăng ký việc kết hôn giữa hai công dân Việt Nam cùng tạm trú ở nước ngoài:

Hai bên nam, nữ phải trực tiếp đến nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện. Trường hợp một trong hai bên không thể đến nộp hồ sơ mà có lý do chính đáng thì cần có đơn xin nộp hồ sơ vắng mặt, ghi rõ lý do và ủy quyền cho bên kia đến nộp hồ sơ. Không chấp nhận việc nộp hồ sơ đăng ký kết hôn qua người thứ ba.

- Hồ sơ đăng ký kết hôn của mỗi bên cần có các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu BTP-NG/HT-2007-KH.3), trong đó khai đầy đủ các mục và có chữ ký của cả hai bên nam, nữ và có xác nhận của Cơ quan đại diện Việt Nam nơi đương sự cư trú (nếu nơi đăng ký kết hôn khác với nơi cư trú) về việc người đề nghị đăng ký kết hôn là người chưa có vợ hoặc chồng. Nếu có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện Việt Nam nơi đương sự cư trú cấp thì không cần xác nhận vào Tờ khai đăng ký kết hôn.

Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận của Cơ quan đại diện Việt Nam hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện Việt Nam cấp nêu ở điểm này phải là bản chính (có dấu đỏ), không được là bản sao, kể cả bản sao có công chứng.

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh cấp (nếu đương sự xuất cảnh khi đã đủ tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam).

* Lưu ý: Xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của đương sự trước khi xuất cảnh cũng như của Cơ quan đại diện Việt Nam nơi đương sự cư trú ở nước ngoài (kể cả trong Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân) cần ghi rõ những yếu tố sau: họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, địa chỉ thường trú/hoặc tạm trú hiện nay chưa đăng ký kết hôn với ai; hoặc lần này kết hôn lầ lần thứ mấy (nêu rõ lần kết hôn).

Thẩm quyền xác nhận về tình trạng hôn nhân như sau:

- Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi công dân Việt Nam (đương sự) cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh xác nhận về tình trạng hôn nhân của đương sự trong thời gian trước khi xuất cảnh.

- Cơ quan đại diện Việt Nam nơi đương sự tạm trú từ 6 tháng trở lên trước khi đến nước tiếp nhận xác nhận về tình trạng hôn nhân của đương sự trong thời gian tạm trú tại nước đó.

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân xã, phường hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam có giá trị trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp.

- Đối với trường hợp vợ hoặc chồng chết hoặc bị tuyên bố là chết thì trong hồ sơ cần có bản sao Giấy chứng tử hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố một người (là vợ hoặc chồng của đương sự) là đã chết.

- Đối với trường hợp ly hôn thì trong hồ sơ cần có bản sao bản án hoặc quyết định cho ly hôn của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Trong trường hợp bản án, quyết định cho ly hôn do Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì Lãnh sự tiến hành ghi vào sổ hộ tịch tại Cơ quan đại diện (trường hợp công dân Việt nam ly hôn với nhau hoặc với người nước ngoài).

Người nước ngoài kết hôn hoặc ly hôn với nhau ở nước ngoài thì không cần ghi chú việc ly hôn, chỉ cần nộp bản sao bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nước ngoài. Nếu người nước ngoài kết hôn với nhau tại Việt Nam hoặc kết hôn với công dân Việt Nam tại Việt Nam và ly hôn ở nước ngoài thì phải làm thủ tục ghi chú vào Sổ hộ tịch của Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện ngoại giao nơi đã đăng ký kết hôn cho đương sự.

- Trường hợp đương sự đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả ở trong nước và ngoài nước) thì trong hồ sơ phải có Bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian cư trú ở các nơi khác nhau đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cam đoan.

- Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (xuất trình bản chính để đối chiếu).

Đăng ký việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc giữa côngdân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên cùng định cư ở nước ngoài

- Hồ sơ đăng ký kết hôn, ngoài các giấy tờ nêu tại mục 2.1, đương sự cần nộp thêm các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân hoặc thường trú (đối với người không quốc tịch), cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng. Việc xác nhận người nước ngoài không có vợ hoặc không có chồng có thể bằng một văn bản riêng. Trong trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc xác nhận vào Tờ khai hoặc cấp loại giấy này thì có thể thay thế bằng việc xác nhận lời tuyên thệ của đương sự về việc không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật nước đó.

- Xác nhận về tình trạng hôn nhân đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú cuối cùng của đương sự trước khi xuất cảnh xác nhận cho thời gian tới khi đương sự xuất cảnh ra nước ngoài (nếu trước đây đương sự đã thường trú ở Việt Nam; và Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận xác nhận cho thời gian đương sự định cư tại nước tiếp nhận không đăng ký kết hôn). Đối với thời gian ở nước ngoài, phải có thêm giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại về việc đương sự chưa đăng ký kết hôn tại cơ quan hộ tịch của nước sở tại, trừ khi Lãnh sự có đầy đủ cơ sở để khẳng định đương sự không có vợ (chồng).

- Đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật quốc gia thì phải nộp Giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức  quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật quốc gia hoặc không trái với quy định của ngành đó.

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh tâm thần nhưng chưa đến mức không có khả năng nhận thức được hành vi của mình.

- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu (xuất trình bản chính để đối chiếu).

- Bản sao thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp (xuất trình bản chính để đối chiếu).

* Lưu ý: Các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực phải được hợp pháp hoá theo quy định về hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá và phải được dịch ra tiếng Việt. Bản dịch cũng phải được chứng thực theo quy định về chứng thực.
===============================

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
 
CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!