Theo quy định tại khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014,  Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần. Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp cũng quy định: "Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty."

Vốn điều lệ của công ty phải được góp đúng theo quy định về thanh toán cổ phần đã đăng ký mua của công ty cổ phần theo quy định tại Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2014:

"Điều 112. Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp

1. Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.

2. Nếu sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;

b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;

c) Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;

d) Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này."

Như vậy, đối với trường hợp của công ty bạn, tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ là 10 tỷ tức số cổ phần đăng ký mua có tổng mệnh giá là 10 tỷ được ghi trong Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp được cấp. Do đó, mặc dù tại thời điểm đăng ký, số vốn thực góp vào công ty chưa đủ 10 tỷ nhưng công ty bạn vẫn được phép ghi số vốn điều lệ là 10 tỷ vào trong ĐKDN. Tuy nhiên, thời hạn tối đa mà pháp luật quy định cho công ty bạn phải góp đủ số vốn trong đăng ký doanh nghiệp là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nếu sau 90 ngày kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà công ty bạn vẫn chưa hoàn thành việc góp đủ vốn điều lệ là 10 tỷ (hay thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua) thì công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ đúng bằng tổng mệnh giá cổ phần đã thanh toán trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ. Nếu công ty bạn không tiến hành thủ tục trên, công ty bạn có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ_CP:

"Điều 28. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký."

Và bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ_CP: "c) Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này". 

Cơ quan có trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên sẽ là cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc góp vốn của các công ty cổ phần trong đó có công ty bạn. Theo quy định tại chương III Nghị định 50/2016/NĐ_CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì các hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh có thể bị xử phạt bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau: Thanh tra sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các cấp, Cơ quan và công chức Thuế, Quản lý Thị trường,...

Về vấn đề bạn hỏi tiêu chí để xác định vốn điều lệ hợp lý cho một công ty. Hiện tại, không có quy định của pháp luật nào buộc một công ty phải xác định số vốn điều lệ dựa trên các tiêu chí đã được quy định sẵn. Thông thường vốn điều lệ của một công ty được góp bởi các thành viên, cổ đông,...Do đó, việc vốn điều lệ nhiều hay ít tùy thuộc vào tiềm lực tài chính của các thành viên, cổ đông, quy mô của công ty, ngành nghề hoạt động của công ty,... Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật có quy định về vốn pháp định đối với một số loại hình doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đặc thù như: ngân hàng, bảo hiểm, cho thuê lại lao động,... Vốn điều lệ của doanh nghiệp trong những trường hợp này không được thấp hơn mức vốn pháp định.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
 
CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!