Hiện này, nhu cầu làm visa, hộ chiếu của công dân đang phát triển mạnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu đó, Công ty Luật Hà Thành Asia cung cấp các dịch vụ và hướng dẫn quý khách hàng đăng ký hộ tịch, hộ chiếu, quốc tịch, visa nhanh nhất, tiện lợi nhất.
 

            I- Thủ tục đăng ký hộ tịch:

            Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận các sự kiện: sinh, kết hôn, tử, nuôi con nuôi, giám hôn, nhận cha, mẹ, con, thay đổi, cải chính, bổ  sung, điều chỉnh hộ tịch, xác định lại giới tính, xác định lại dân tộc; hay việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi vào sổ hộ tịch các việc: xác định cha, mẹ, con; thay đổi quốc tịch; ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, chấm dứt nuôi con nuôi.
            * Thủ tục đăng ký khai sinh:
            + Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh và xuất trình Giấy chứng nhậnkết hôn của cha, mẹ trẻ em;
            + Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
           + Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khi sinh để trống. Nếu thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
  * Thủ tục đăng ký kết hôn:
            +  Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân.
            Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.
            Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.
            Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.
            + Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.
            Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
            + Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.
            * Thủ tục đăng ký khai tử:
            + Người đi khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định của pháp luật.
            + Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai tử và Giấy chứng tử, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai tử một bản chính Giấy chứng tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi khai tử.
            * Thủ tục đăng ký giám hộ:
            + Người được cử làm giám hộ phải nộp Giấy cử giám hộ. Giấy cử giám hộ do người cử giám hộ lập; nếu có nhiều người cùng cử một người làm giám hộ, thì tất cả phải cùng ký vào Giấy cử giám hộ.
            + Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc giám hộ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc giám hộ. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
            + Khi đăng ký việc giám hộ, người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ phải có mặt. Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký giám hộ và Quyết định công nhận việc giám hộ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người giám hộ và người cử giám hộ mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc giám hộ. Bản sao Quyết định công nhận việc giám hộ được cấp theo yêu cầu của người giám hộ và người cử giám hộ.
            + Trong trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng, thì người cử giám hộ phải lập danh mục tài sản và ghi rõ tình trạng của tài sản đó, có chữ ký của người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ. Danh mục tài sản được lập thành 3 bản, một bản lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký việc giám hộ, một bản giao cho người giám hộ, một bản giao cho người cử giám hộ.
            * Thủ tục đăng ký việc nhân cha, mẹ, con:
            + Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
            Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau:
            a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;
            b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).
            + Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
            Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
            + Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên.
 

            II. Thủ tục làm hộ chiếu:

Hộ chiếu là một trong những giấy tờ cần thiết để sang nước ngoài. Có nhiều loại hộ chiếu như hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao... Hộ chiếu phổ thông là loại hộ chiếu dành cho công dân, còn hộ chiếu công vụ dành cho công chức nhà nước, sĩ quan.... và hộ chiếu ngoại giao dành cho quan chức cao cấp như bí thư, bộ trưởng...Hiện nay, việc đăng ký làm hộ chiếu rất đơn giản và nhanh chóng, công ty Luật Hà Thành Asia cung cấp cho Quý khách hàng về thủ tục làm hộ chiếu phổ thông như sau:
            * Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu:
            - 02 Tờ khai theo mẫu quy định của cơ quan nơi đăng ký hộ chiếu;
            - 05 ảnh mới chụp, cỡ 4 x 6 cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền trắng (01 ảnh dán vào khung phía trên tờ khai, 01 ảnh dán vào mặt sau tờ khai).
            - Khi nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng. Nếu thường trú hoặc tạm trú phải xuất trình thêm giấy tờ chứng nhận đăng ký thường trú hoặc tạm trú dài hạn từ 01 năm trở lên.
            Nếu người đề nghị cấp hộ chiếu chỉ có CMTND mà không có giấy tờ về hộ khẩu, thì vẫn phải có xác nhận và dấu giáp lai ảnh của trưởng công an phường, xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú có thời hạn.
            - Đối với trẻ em dưới 14 tuổi:
            + Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu do mẹ hoặc cha khai và ký thay; nếu do mẹ, cha nuôi hoặc người giám hộ thực hiện thì nộp kèm bản sao giấy tờ chứng minh là mẹ, cha nuôi hoặc người giám hộ hợp pháp. Tờ khai phải được Công an xã, phường, thị trấn nơi trẻ em thường trú (hoặc tạm trú) xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh.
            + Nộp 01 bản sao giấy khai sinh (nếu là bản chụp thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu).
            - Trường hợp trẻ em dưới 9 tuổi đề nghị cấp chung hộ chiếu với mẹ hoặc cha thì khaichung vào tờ khai của mẹ hoặc cha (ảnh trẻ em cỡ 3x4 cm dán vào khung dành cho trẻ em).
            * Nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả:
            - Người đề nghị cấp hộ chiếu trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại phòng quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh.
            Trường hợp người đề nghị cấp hộ chiếu tại Công an tỉnh, nhưng có nguyện vọng trực tiếp nhận hộ chiếu tại Cục Quản lý XNC, thì cũng được Cục Quản lý XNC xem xét giải quyết.
            Công an tỉnh xét và chuyển hồ sơ về Cục quản lý XNC trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
            Cục Quản lý XNC kiểm tra và cấp hộ chiếu trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
            Trường hợp người đề nghị cấp hộ chiếu nộp hồ sơ tại Công an tỉnh quá 10 ngày làm việc mà không được Công an tỉnh thông báo đã chuyển hồ sơ về Cục Quản lý XNC, thì có thể trực tiếp đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh xuất trình giấy biên nhận về việc đã nộp hồ sơ tại Công an tỉnh. Cục Quản lý XNC sẽ cho kê khai lại tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, và xem xét giải quyết trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc đối với người xuất cảnh có thời hạn và 10 ngày làm việc đối với người xuất cảnh định cư, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
 

          III. Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam:

            -  Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm có các giấy tờ sau đây:
            + Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
            +  Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài của người đó; Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà người con chưa thành niên sinh sống cùng người nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc theo mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho con;
            + Bản khai lý lịch;
            + Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.
            + Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ: Bản sao bằng tốt nghiệp sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam; bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Việt do cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam.
            + Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam: Bản sao Thẻ thường trú;
            + Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam (gồm một trong số các giấy tờ: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cấp; giấy xác nhận của cơ quan thuế về thu nhập chịu thuế; giấy tờ chứng minh được sự bảo lãnh của tổ chức cá nhân tại Việt Nam; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân  phường - xã, thị trấn nơi thường trú của người xin nhập quốc tịch Việt Nam về khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người đó).
            + Số lượng hồ sơ: 03 bộ
            - Người xin nhập quốc tịch Việt Nam được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì phải nộp một số giấy tờ chứng minh điều kiện được miễn:
            - Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam phải nộp bản sao giấy chứng nhận kết hôn chứng minh quan hệ hôn nhân.
            - Người là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam phải nộp bản sao giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con.
            - Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải nộp bản sao Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận danh hiệu cao quý khác hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam.
            - Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải nộp giấy chứng nhận của cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc, được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận về việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển của một trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao.
            Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài có trong các hồ sơ phải được dịch sang tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
            1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
            a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
            b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
            c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
            d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
            đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
            2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
            a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
            b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
            c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
            3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
            4. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
            5. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
 

            IV. Thủ tục xin cấp visa:

            Visa (còn gọi là thị thực nhập cảnh) là một loại chứng nhận quan trọng do chính phủ một nước cấp cho người nước ngoài muốn đến nước họ. Thông thường visa được cấp bằng cách đóng vào sổ hộ chiếu.
            Tại Việt nam, Visa nhập cảnh được cấp cho người nước ngoài có thể phân biệt các loại:
            - Visa du lịch: có giá trị 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh, thường được cấp cho khách du lịch, được quyền nhập xuất cảnh một lần qua các cửa khẩu quốc tế. Có thể được gia hạn nếu có lý do chính đáng.
            - Visa thương mại: có giá trị từ 90 ngày đến 180 ngày kể từ ngày nhập cảnh, thường được cấp cho người nước ngoài đến kinh doanh hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư, được quyền nhập xuất cảnh nhiều lần qua các cửa khẩu quốc tế. Có thể được gia hạn nếu có lý do chính đáng.
            - Giấy phép tạm trú: có giá trị từ một năm kể từ ngày nhập cảnh, thường được cấp cho người nước ngoài đến làm việc thường xuyên hoặc đầu tư, được quyền nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế. Có thể được gia hạn nếu có lý do chính đáng
            * Xin Visa ra nước ngoài:
            Hiện nay một số nước đã miễn VISA cho công dân Việt Nam như THÁI LAN, SINGAPORE.... Với các nước khác, bạn phải đến Đại Sứ quán của quốc gia đó tại Hà Nội hay TP HCM để làm các thủ tục: khai xin nhập cảnh, nộp lệ phí. Đối với một số nước sẽ có những yêu cầu thủ tục đặc biệt, bạn cần đến Đại sứ quán để tìm hiểu.
            - Công dân mang hộ chiếu Việt Nam loại phổ thông có thể nhập cảnh một số nước sau đây mà không cần visa với thời hạn tối đa là: Singapore: 30 ngày, Thái Lan: 30 ngày, Malaysia: 30 ngày, Indonesia: 30 ngày, Lào: 30 ngày, Phililippines: 21 ngày. Brunei miễn visa cho Việt Nam
            - Ngoài ra, nếu mang Hộ chiếu công vụ hoặc ngoại giao thì còn một số nước khác cũng không cần visa.
            * Xin Visa vào Việt Nam
            Nếu nơi ở/ đất nước của bạn có Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán nước CHXHCN Việt Nam, bạn có thể tự nộp đơn xin visa vào Việt Nam và phải trả một khoản phí cấp visa tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam ở nước sở tại, và chi phí này không giống nhau ở những nước khác nhau.
            Xin Visa tại cửa khẩu:
            Nếu đất nước của bạn không có Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán nước CHXHCN Việt Nam, bạn có thể xin visa nhập cảnh Việt Nam ngay tại cửa khẩu.
            Bạn cần gửi cho đơn vị du lịch bản SCAN hộ chiếu, đơn vị du lịch sẽ đến Cục quản lý Xuất Nhập cảnh Việt Nam để xin thư chấp thuận lấy visa. Thư này cũng sẽ được gởi cho du khách bằng fax hoặc email để bạn có thể trình cho nhân viên hàng không ở sân bay khi quý khách làm thủ tục check-in. Thư chấp thuận này không mang tính thay thế cho visa mà chỉ xác nhận rằng du khách sẽ được cấp visa nhập cảnh chính thức tại cửa khẩu Việt Nam khi đến một trong các sân bay quốc tế của Việt Nam.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
 
CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!