Câu hỏi:


Kính gửi Công ty luật Hà Thành Asia,
Trước đây vợ tôi đã ly thân chồng cũ nhưng chưa hoàn thành thủ tục ly hôn, trong thời gian này sinh con cho tôi vậy nên cháu vẫn mang họ của chồng cũ. Nay tôi muốn đổi họ cho cháu, thay giấy khai sinh. Việc này nói chuyện cả tôi, vợ tôi và chồng cũ đồng ý.
Vậy mong quý công ty tư vấn cho tôi về các thủ tục.
Rất mong văn phòng luật tư vấn cho tôi
 

Tư vấn:

Chào anh,
Luật Hà Thành Asia nhận được yêu cầu tư vấn từ anh về việc đăng ký thay đổi họ cho con. Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và thông tin anh cung cấp, Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

* Căn cứ pháp lý

•           Bộ luật Dân sự năm 2015;
•           Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
•           Luật Hộ tịch năm 2014;
•           Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
•           Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật hộ tịch và nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch.

* Luật sư tư vấn

Hiện nay, ly thân chưa được Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, do đó dù vợ chồng đã xa nhau thời gian dài thì đây cũng không phải lý do để tòa xử cho ly hôn. Việc ly thân và thời gian ly thân chỉ là một trong các dấu hiệu phản ánh tình trạng hôn nhân mà trên cơ sở đó tòa án xem xét có chấp thuận cho việc ly hôn hay không.
Trường hợp muốn thay đổi họ cho con thì cần làm các thủ tục sau:

1. Thủ tục đăng ký nhận con

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

Do vậy, mặc dù trên thực tế đây là con của bạn và người đang sống chung. Tuy nhiên về mặt pháp lý, đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa người đó và người chồng trên giấy tờ hiện tại nên vẫn có quyền mang họ người chồng trong giấy khai sinh.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch và Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP thì hồ sơ đăng ký nhận con gồm:

* Cơ quan có thẩm quyền: Ủy ban nhân dân cấp xã

* Giấy tờ phải xuất trình

- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký nhận con.
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký nhận con

* Giấy tờ phải nộp

- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu.
- Giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có văn bản nêu trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

* Kết quả: Giấy khai sinh; trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con

 
 

2. Thủ tục thay đổi họ cho con

Căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 27 BLDS 2015, bạn có quyền đăng ký thay đổi họ cho con.
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì việc thay đổi họ cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó. Theo đó, khi thay đổi họ bé thì cần có sự đồng ý của bạn và mẹ bé.

* Hồ sơ: Căn cứ Khoản 1 Điều 28 Luật Hộ tịch năm 2014 thì hồ sơ đăng ký thay đổi họ, tên cho con gồm:

  • Tờ khai theo mẫu quy định
  • Giấy đăng ký nhận cha, mẹ, con
  • Giấy tờ liên quan.

* Cơ quan có thẩm quyền: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây.

* Kết quả: Trích lục thay đổi hộ tịch.


Ngoài ra, sau khi đăng ký thay đổi họ cho con, bạn phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh họ, tên cho tại các giấy tờ có thông tin họ của con, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số123/2015/NĐ-CP:

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”

Đối với mỗi loại giấy tờ của con bạn thì có một cơ quan riêng cấp cho con bạn. Về nguyên tắc, cơ quan nào quản lý, ban hành, cấp hồ sơ giấy tờ cho con bạn thì cơ quan đó có quyền điều chỉnh tên và chữ đệm của con bạn trong giấy tờ đó, tuy nhiên phải dựa trên giấy khai sinh của con bạn.
            Trên đây là tư vấn của Luật Hà Thành Asia về đăng ký thay đổi họ cho con. Nếu có thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ số hotline 1900 8963 để được tư vấn chi tiết.

 

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn Hôn nhân và gia đình miễn phí

CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!