1.         Hiệu lực của di chúc

Hiệu lực của di chúc là giá trị bắt buộc phải thi hành, tuân theo di chúc. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Chỉ di chúc hợp pháp mới có hiệu lực pháp luật. Di chúc hợp pháp là di chúc do những người có đủ điều kiện lập; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
  1. Về thời điểm của di chúc
  2.  
Mở thừa kế là việc bắt đầu tiến hành thủ tục chia di sản thừa kế trong thực tế theo quy định. Theo đó, dù là thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật thì xác định thời điểm mở thừa kế cũng rất quan trọng. 
Thời điểm mở thừa kế được quy định tại Khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó là thời điểm mà người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Dân sự 2015. Quy định này chỉ ra cách xác định thời điểm mở thừa kế cụ thể như sau:
  • Nếu một người chết sinh học, tức là cái chết của họ có phát sinh từ các rủi ro thực tế như bệnh tật, tai nạn, già yếu,... thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người đó chết, được ghi nhận trong giấy khai tử. 
  • Nếu một người chết pháp lý, tức là họ có Quyết định tuyên bố chết của Tòa án, thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm Tòa án xác định người đó chết. 
Như vậy, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Trước thời điểm này, di chúc chưa có hiệu lực và những người thừa kế không thể tiến hành chia thừa kế theo di chúc.
  1. Chủ thể lập di chúc
- Người thành niên được quyền lập di chúc khi minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc và phải lập bằng văn bản.
- Người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ thì phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
  1. Chủ thể hưởng di sản:
Tổ chức, cơ quan được chỉ định là người thừa kế phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Tại thời điểm người có tài sản chết và tiến hành thủ tục chia di sản thừa kế thì người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, hay việc tổ chức cơ quan không tồn tại thì tại thời điểm mở thừa kế thì di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần.
  1. Di sản để thừa kế.
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
Như vậy, di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đã chết, quyền về tài sản của người đó. Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của công dân được nhà nước bảo hộ. 
Thứ nhất, tài sản riêng của người chết là tài sản do người đó tạo ra bằng thu nhập hợp pháp (như tiền lương, tiền được trả công lao động, tiền thưởng, tiền nhuận bút, tiền trúng thưởng xổ số,..) tài sản được tặng cho, được thừa kế, tư liệu sinh hoạt riêng ( như quần áo, giường tủ, xe máy, ô tô, vô tuyến,..) nhà ở, tư liệu sản xuất các loại, vốn dùng để sản xuất kinh doanh.
  • Tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý được dùng làm đồ trang sức hoặc được dùng làm của cải để dành.
  • Nhà ở; diện tích mà người có nhà ị cải tại xã hội công nghiệp, được nhà nước để lại cho để ở và xác định là thuộc quyền sở hữu của người đó. Nhà do được thừa kế, tặng cho, mua, trao đổi hoặc tự xây dựng được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và đã làm thủ tục sang tên, trước bạ.
  • Vốn, cổ phần, vật tư, tư liệu sản xuất của những người sản xuất cá thể hoặc của các tư nhân được sản xuất kinh doanh hợp pháp.
  • Tài liệu, dụng cụ máy móc của người làm công tác nghiên cứu.
  • Cây cối mà người được giao sử dụng đất trồng và hưởng lợi trên đất đó.
Thứ hai, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác
Trên thực tế có nhiều trường hợp do nhiều người cùng góp vốn để sản xuất kinh doanh nên có khối tài sản thuộc quyền sở hữu chung của nhiều người (đồng chủ sở hữu đối với một khối tài sản nhất định). Nếu một trong đồng chủ sở hữu chết thì di sản thừa kế của người chết là phần tài sản thuộc sở hữu của người đó đã đóng góp trong khối tài sản chung.
Khác với hình thức sở hữu chung theo phần, tài sản của vợ chồng trong thời kì hôn nhân là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Khoản 1 Điều 213 BLDS quy định  Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người, có quyền ngag nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:
  • Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
  • Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
  • Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của BLDS
  • Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định nêu trên, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Thứ ba, quyền về tài sản do người chết để lại.
Đó là các quyền dân sự được phát sinh từ các quan hệ hợp đồng hoặc do việc bồi thường thiệt hại mà trước khi chết họ đã tham gia vào những quan hệ này như quyền đòi nợ, đòi lại tài sản cho thuê hoặc cho mượn, chuộc lại tài sản đã thế chấp, cầm cố, yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng,..
Ngoài những quyền tài sản nói trên, quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp cũng là di sản thừa kế. Chủ sở hữu quyền tác giả để lại thừa kế quyền tài sản như quyền hưởng nhuận bút và các lợi ích vật chất khác. Đối với quyền sở hữu công nghiệp- một loại tài sản có tính chất đặc thù nên những quy định về thừa kế đối với quyền sở hữu công nghiệp cũng có những nét riêng. Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005, quyền sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ thì được bảo hộ trong thời hạn văn bằng bảo hộ có hiệu lực (văn bằng có thể được gia hạn theo quy định của pháp luật)
Việc quy định về quyền tài sản do người chết để lại là di sản thừa kế góp phần bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường tinh thần trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, các quyền về tài sản gắn liền với nhân thân của người chết (quyền hưởng trợ cấp, tiền lương hữu) không là di sản thừa kế.
Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, Nhà nước là người quản lí toàn bộ đất đại và giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Để tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức đầu tư công sức vào sản xuất Nhà nước cho phép cá nhân có 5 quyền, trong đó có quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất. Tùy loại đất khác nhau mà quyền thừa kế cũng được quy định khác nhau.
  1. Tính hợp pháp của di chúc.
  2.  
Di chúc hợp pháp là di chúc phải có đủ các điều kiện sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Như vậy di chúc khi không đủ các điều kiện trên sẽ không có hiệu lực của pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp di chúc chỉ có một phần không hợp pháp nhưng không gây ảnh hưởng đến hiệu lực các phần còn lại tức là không ảnh hưởng đến các việc làm cho di chúc vô hiệu hay mất hiệu lực hoặc ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ các bên trong các phần còn lại của di chúc thì chỉ có phần không họp pháp đó mới không có hiệu lực.
  1. Di chúc có hiệu lực cuối cùng.
Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.”
Một người có thể lập nhiều bản di chúc khác nhau để định đoạt cùng một tài sản. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực. Nghĩa là người lập di chúc chết thì bản di chúc sau cùng mới là bản di chúc có hiệu lực và những người thừa kế phải căn cứ vào bản di chúc sau cùng này để phân chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc cũ bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ. Có thể hiểu, khi người lập di chúc đã hủy bỏ, thay thế di chúc cũ bằng một di chúc mới thì di chúc cũ sẽ không còn hiệu lực thi hành.
Hiệu lực của Di chúc được quy định như thế nào? - Luật Hà Thành Asia - 19008963
 

2.         Sửa đổi, bổ sung, thay thế , hủy bỏ di chúc

“Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
 Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
 Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”.
 Thứ nhất, sửa đổi di chúc là việc người lập di chúc thay thế một phần quyết định cũ của mình đối với các phần trong di chúc trước đó. Sửa đổi di chúc thường sửa đổi ở các điểm sau:
  • Sửa đổi người được thừa kế;
  • Sửa đổi về quyền và nghĩa vụ cho người thừa kế;
  • Sửa đổi về câu chữ.
Thứ hai, bổ sung di chúc là việc người lập di chúc có quyền “bổ sung” di chúc đã lập. Phần bổ sung là phần thêm vào nội dung của di chúc (như di chúc trước đã lập không cho A hưởng nay “bổ sung” thêm cho A hưởng một phần tài sản). Nếu người lập di chúc bổ sung di chúc, mà phần di chúc bổ sung vẫn hợp pháp thì di chúc đã lập và phần di chúc bổ sung đều có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, có những trường hợp nếu phần di chúc đã lập và phần di chúc bổ sung mâu thuẫn với nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này được coi là sửa đổi di chúc.
Thứ ba, thay thế di chúc là việc người để lại di sản lập di chúc khác thay thế cho di chúc cũ vì họ cho rằng những quyết định của mình trong di chúc trước không còn phù hợp với ý chí của mình nữa. Do đó, di chúc trước coi như không có, vì chính người lập di chúc hủy bỏ nếu như việc thay thế di chúc trong lúc họ còn minh mẫn sáng suốt. Một người lập nhiều di chúc vào các thời điểm khác nhau mà nội dung của các di chúc không phủ định lẫn nhau trong trường hợp này tất cả di chúc đều có hiệu lực. Nếu nội dung phủ định nhau thì coi đó là thay thế di chúc.
Thứ tư, hủy bỏ di chúc là việc người để lại thừa kế từ bỏ di chúc của mình bằng cách không công nhận di chúc do mình lập ra là có giá trị. Trường hợp này được coi là không có di chúc. Do vậy, di sản thừa kế được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc hủy bỏ di chúc có thể được thực hiện như sau:
  • Người lập di chúc tự tiêu hủy tất cả di chúc đã lập;
  • Người lập di chúc lập một di chúc khác tuyên bố hủy di chúc đã lập.
Lưu ý: Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nhưng khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.

3.         Gửi giữ di chúc

“Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.
Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về công chứng.
Người giữ bản di chúc có nghĩa vụ sau đây:Giữ bí mật nội dung di chúc;Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.”
  1. Gửi giữ di chúc:
Yêu cầu cơ quan công chứng lưu giữ di chúc. Cần lưu ý rằng, cơ quan công chứng, chứng thực di chúc có thể là cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nhưng Bộ luật dân sự cũng như pháp luật về công chứng, chứng thực đều quy định chỉ có cơ quan công chứng mới thực hiện việc lưu giữ di chúc.
Gửi người khác lưu giữ bản di chúc. Để bảo đảm cho việc phân chia di sản sau khi người lập di chúc chết đúng với mong muốn của mình, người lập di chúc thường gửi di chúc cho một người mà mình có quan hệ chặt chẽ khi còn sống và có thể đặt niềm tin vào người này. Người lập di chúc nên biết rõ một số thông tin cơ bản về người gửi giữ bản di chúc trong bản di chúc.
Tự mình giữ di chúc. Việc người lập di chúc tự mình lưu giữ di chúc sẽ bảo đảm cho việc giữ gìn bí mật của bản di chúc, chỉ một mình người lập di chúc biết được toàn bộ nội dung di chúc cho đến khi người đó chết.
Khi gửi giữ di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng thì tuân thủ hợp đồng gửi giữ. về việc thanh toán tiền cho bên giữ tài sản.
  1. Lưu giữ di chúc
Lưu giữ di chúc theo ủy quyền là việc người lập di chúc ủy quyền cho cơ quan công chứng hoặc một cá nhân khác giữ bản di chúc của mình. Người lập di chúc có thể yêu cầu cơ quan công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.
Người lập di chúc có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ di chúc của mình. Khi nhận lưu giữ di chúc, công chứng viên phải niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc, ghi giấy nhận lưu giữ và giao cho người lập di chúc.
Đối với di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì trước khi chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể, tổ chức hành nghề công chứng phải thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì di chúc và phí lưu giữ di chúc phải được trả lại cho người lập di chúc.
Việc công bố di chúc lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
  1. Điều kiện của lưu giữ và gửi giữ hợp pháp:
  • Phải niêm phong bản di  chúc trước mặt người lập di chúc, ghi giấy nhận lưu giữ
  • Khi tổ chức không tồn tại thì trả lại di chúc, phí lưu giữ cho người lập di chúc.

4.         Di chúc bị thất lạc, hư hại

“Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.”
Thất lạc được hiểu là lạc mất, không tìm thấy, do vậy nên di chúc thất lạc được hiểu là di chúc bị đã được lập, có tồn tại trong thực tế nhưng tất cả các chủ thể có liên quan đều không biết di chúc đó đang được để ở đâu.
Hư hại cũng theo cách hiểu thông thường là bị hỏng, bị thiệt hại, không còn nguyên vẹn như lúc đầu. Do đó di chúc bị hư hại được hiểu là bản di chúc đã được lập, có tồn tại trên thực tế nhưng không còn nguyên vẹn, nguyên bản như lúc ban đầu, có thể bị hư hỏng một phần hoặc toàn bộ di chúc.
Như vậy có nghĩa rằng, nếu có căn cứ chứng minh được di chúc có tồn tại trên thực tế và nội dung của di chúc là ý chí đích thực của người lập di chúc thì di sản sẽ được áp dụng các quy định để chia theo thừa kế theo di chúc. Ngược lại, nếu di chúc bị thất lạc và không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì sẽ coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
 Ngoài ra, để đảm bảo cho việc tôn trọng ý chí của người để lại di sản, pháp luật có quy định trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc (Khoản 2 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015). Ngược lại, nếu trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, di sản đã được chia theo pháp luật mà tìm thấy di chúc thì phải chia theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu (Khoản 3 Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015). Quy định này của pháp luật là nhằm bảo đảm tính ổn định dân sự, tránh tốn kém mất thời gian cho những người có liên quan. Bởi vì di sản đã chia theo pháp luật, mặc dù có thể không đúng với ý chí đích thực của người để lại di sản, nhưng những người thừa kế không có ý kiến, đòi hỏi gì thì không cần thiết phải tiến hành chia lại di sản một lần nữa.
Nếu kể từ thời điểm mở thừa kế, bản di chúc có tồn tại nhưng không bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc. Trong trường hơp này chúng ta không thể coi như không có di chúc mà áp dụng quy định về thừa kế như pháp luật được. Mà trường hợp này chúng ta vẫn phải tôn trọng ý chí của người để lại di sản và áp dụng quy định về thừa kế theo di chúc. Thêm vào đó, trường hợp di chúc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc, nhưng có bằng chứng chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì cũng không thể coi như không tồn tại di chúc và áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật được. Trường hợp này chúng ta phải tôn trọng ý chí của người để lại di sản và áp dụng quy định về thừa kế theo di chúc để chia di sản theo ý chí của họ.
Đối với di chúc bị hư hại chúng ta không phải chứng minh rằng di chúc có tồn tại vì bản thân khẳng định di chúc bị hư hại đã là khẳng định có tồn tại và thực tế nó vẫn luôn tồn tại hiện hữu, chỉ là nó bị hư hại đến mức độ như thế nào? Có đến mức không thể xác định được nội dung thể hiện đầy đủ ý chí cuối cùng của người lập di chúc hay không? Nếu hư hại đến mức không thể hiện đầy đủ ý chí cuối cùng của người lập di chúc thì phải có bằng chứng chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc, có như vậy mới có thể áp dụng quy định về thừa kế theo di chúc. Ngược lại nếu không thể chứng minh được những điều nêu trên thì áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật.
Tóm lại, trong thực tế có rất nhiều tình huống có thể xảy ra dẫn đến di chúc bị thất lạc, hư hại. Điều này dẫn đến các tranh chấp, mâu thuẫn của những người thừa kế xảy ra. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có liên quan, pháp luật vẫn cho phép áp dụng các quy định về thừa kế theo di chúc nếu chứng minh được nó là ý chí đích thực của người để lại di sản. Quy định pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về việc chứng minh này được thực hiện như nào. Do vậy nên chúng ta có thể sử dụng mọi phương tiện để chứng minh ý chí đích thực của người để lại di sản.
Công ty Luât TNHH Hà Thành Asia cung cấp dịch vụ pháp lý trực tuyến đa dạng, như tổng đài tư vấn pháp luật 1900 8963, tin nhắn, video call, website… các luật sư, chuyên gia có thể dễ dàng tương tác với khách hàng, cung cấp dịch vụ pháp lý với chất lượng cao, thời gian nhanh nhất, chi phí hợp lý nhất. Với kinh nghiệm dày dặn của các luật sư, chuyên viên trên đa dạng các lĩnh vực: Tư vấn pháp luật, dịch vụ tranh tụng và trọng tài, giấy phép con, doanh nghiệp,… hy vọng sẽ đem đến những giải pháp tối ưu nhất cho quý khách hàng.

 

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!