Câu hỏi

Chào luật sư,
Công ty tôi đang gặp vấn đề về sáng chế như sau: Công ty tôi nhập khẩu và phân phối sản phẩm điều hòa sử dụng thiết bị “vòng bay hơi” từ một công ty Hàn Quốc, từ tháng 3/2018. Vừa qua, công ty tôi nhận được một thư từ Công ty A (Nhật Bản) thông báo rằng việc nhập khẩu và phân phối sản phẩm điều hòa của công ty tôi đang vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về sáng chế. Vì sản phẩm của công ty tôi giống với sáng chế “điều hòa xuyên thấu không có cánh quạt” của họ, điểm mấu chốt của sáng chế này là thiết bị “vòng bay hơi” giúp làm mát phòng một cách êm ái, ngăn khí nóng bay ngược vào trong phòng mà không tốn nhiều điện. Sáng chế này đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam từ tháng 6/2017. Sáng chế đang trong thời hạn bảo hộ tại Việt Nam. Họ yêu cầu công ty tôi ngừng cung cấp sản phẩm ra thị trường, nếu không sẽ nhờ đến sự can thiệp pháp lý. Khi nhập khẩu hàng về phân phối, tôi không biết và không kiểm tra vấn đề này.
Luật sư cho tôi hỏi là công ty tôi có vi phạm pháp luật về sáng chế không? Và yêu cầu từ phía công ty A có đúng quy định pháp luật không? Công ty tôi phải làm gì để được tiếp tục phân phối sản phẩm đúng pháp luật?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
 

Luật sư trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

1/ Căn cứ pháp lý

- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
- Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
- Thông tư số11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

2/ Công ty bạn có vi phạm pháp luật về sáng chế không?

Quyền sở hữu công nghiệp của Công ty A đối với sáng chế cho sản phẩm "điều hòa xuyên thấu không có cánh quạt" tại Nhật Bản và nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam được pháp luật hiện hành bảo hộ thông qua việc cơ quan có thẩm quyền đã cấp Bằng độc quyền sáng chế. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực pháp lý trên phạm vi toàn lãnh thổ Nhật Bản và các quốc gia đã đăng ký bảo hộ trong đó có Việt Nam và có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
Để xét xem công ty bạn có xâm phạm độc quyền sáng chế của công ty A không cần xem xét các yếu tố quy định tại Điều 11 Thông tư số11/2015/TT-BKHCN. Cụ thể, là hành vi xâm phạm nếu tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản được nêu trong điểm đó đều có mặt trong sản phẩm bị xem xét dưới dạng trùng hoặc tương đương, trong đó:
“a) Hai dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật được coi là trùng nhau nếu dấu hiệu đó có cùng bản chất, cùng mục đích sử dụng, cùng cách thức đạt được mục đích và cùng mối quan hệ với các dấu hiệu khác nêu trong yêu cầu bảo hộ;
b) Hai dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật được coi là tương đương với nhau nếu có bản chất tương tự nhau hoặc có thể thay thế cho nhau, có mục đích sử dụng và cách thức để đạt được mục đích sử dụng cơ bản giống nhau.”
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế:
“1. Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
2. Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật này”.
Như vậy, dựa theo những căn cứ pháp lý phân tích ở trên và thông tin bạn cung cấp, có thể đưa ra kết luận: để chứng minh công ty bạn vi phạm quy định về sáng chế, công ty A cần chứng minh sản phẩm của bạn có tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cơ bản có bị xem xét dưới dạng trùng hoặc tương đương không? Nếu thỏa mãn các đặc điểm quy định tại Điều 11 Thông tư số11/2015/TT-BKHCN thì công ty bạn đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế của họ.

3/ Yêu cầu từ phía công ty A có đúng quy định pháp luật không?

Yêu cầu của công ty A chỉ đặt ra khi công ty bạn có vi phạm theo phân tích ở phần 2/.
Sau khi đã phát hiện hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì đại diện Công ty A có thể thực hiện quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu các cơ quan thực thi xử lý hành vi xâm phạm đó bằng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu để phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi xuất, nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền...
Công ty bạn có thể bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính theo quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Cụ thể:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền.
Như vậy, nếu xác định được hành vi vi phạm của công ty bạn thì yêu cầu của Công ty A đúng theo quy định pháp luật.

4/ Công ty bạn phải làm gì để được tiếp tục phân phối sản phẩm đúng pháp luật?

Trường hợp Công ty A chưa chứng minh được công ty bạn vi phạm pháp luật về sáng chế, Công ty bạn nhập khẩu và phân phối sản phẩm bình thường.
Trường hợp Công ty A chứng minh được công ty bạn vi phạm pháp luật về sáng chế, căn cứ Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, bạn cần đàm phán với Công ty A về việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, mức chuyển giao do hai bên thỏa thuận. Nếu Công ty bạn không đạt được thoả thuận với Công ty A về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng hoặc Công ty A thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh thì Công ty bạn được nhận chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, được quy định tại Điều 145 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
 
CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!