Chào Luật sư, gia đình tôi có vấn đề cần tư vấn như sau:
Bố tôi có vay của bác D khoảng 700 triệu đồng để vay lại tiền trong ngân hàng với mục đích kinh doanh và chi tiêu cho cuộc sống gia đình. Nhưng sau khi vay lại tiền của ngân hàng xong, trên đường về lại không may làm mất số tiền phải trả cho bác D. Vì thế nên bố tôi quyết định bán gần 22 sào đất để trả cho bác D, ngân hàng và những chủ nợ khác đã nợ từ trước đó, nhưng tiền bán đất lại không đủ; trong khi tiền nợ ngân hàng là 1 tỉ 300 triệu đồng, nợ bác D là 700 triệu đồng như đã nói ở trên, các chủ nợ khác là khoản hơn 500 triệu đồng, trong khi số tiền bán đất lại chỉ khoảng 1 tỉ 500 triệu đồng. Các chủ nợ thấy vậy liền hù dọa làm sẽ kiện bố tôi ra toà trong khi bố tôi đã hứa là sẽ làm và hàng tháng gửi tiền trả, thậm chí có người cầm dao hăm dọa gia đình tôi, khiến cho ông nội tôi luôn trong trạng thái lo lắng sợ hãi, có thể bị trầm cảm.
Vậy trong trường hợp này nếu bố tôi bị kiện tụng thì có bị xử hình sự không ạ? Gia đình tôi phải giải quyết thế nào theo quy định pháp luật? Rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư.
Trả lời:
Căn cứ tại Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, bên vay sẽ có nghĩa vụ trả nợ trong thời hạn đã thỏa thận trong hợp đồng. Khi bên vay không có khả năng thanh toán nợ thì bên cho vay có quyền gửi đơn khởi kiện dân sự về việc đòi lại tài sản đến Tòa án nhân dân huyện nơi bị đơn cư trú để được giải quyết. Tuy nhiên, đối với trường hợp không còn bất kỳ tài sản nào để có thể thanh toán khoản nợ vay thì bên cho vay sẽ phải chịu rủi ro trong trường hợp này. Nếu bên vay chỉ mất khả năng chi trả, không có dấu hiệu bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, không đưa ra thông tin gian dối để ngân hàng cho vay và chiếm đoạt số tiền đó thì không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo thông tin của bạn, bố bạn đã vay tiền của người khác để đầu tư kinh doanh nhưng do làm ăn thua lỗ nên không còn khả năng thanh toán nợ chứ không phải ngay từ đầu đã cố tình sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó bố bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu bố bạn vay mượn tài sản của người khác bằng hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hoặc đến thời hạn trả mặc dù có điều kiện trả lại tài sản nhưng cố tình không trả, cố tình lẩn trốn trốn tránh trách nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp này bố bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bố bạn là người trực tiếp vay thì phải có nghĩa vụ trả nợ cho những người cho vay. Theo đó, khi bố bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì các chủ nợ có thể khởi kiện ra Tòa thì Tòa án sẽ ra quyết định và yêu cầu bố phải trả nợ. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bố bạn phải thực hiện nghĩa vụ theo quyết định của bản án, hết thời hạn này mà không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án ra quyết định kê biên các tài sản đứng tên bố bạn, các tài sản mà bố bạn có phần sở hữu và tiến hành xử lý tài sản đó trả nợ cho những người cho vay. Như vậy, căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu bên cho vay có thiện chí thì gia đình bạn có thể thương lượng với họ để tạo điều kiện về mặt thời gian để bên vay trả nợ hoặc hai bên có thể thỏa thuận lại với nhau về thời hạn trả tiền.
=========================================
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website: http://luatsuhathanh.com
http://Congtyluathathanhasia.com
Email : luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trân trọng!