Câu hỏi:

Chào luật sư, tôi tên là Cao Thị H, hiện đang sinh sống tại Phú Thọ, tôi có chút thắc mắc như sau, muốn Luật sư giải đáp giúp tôi.
Bên cạnh nhà tôi có một gia đình, nhà này thì có một cậu bé rất ngoan, năm nay mới học lớp 2 nhưng bố thằng bé cứ khi nào thua cờ bạc hay say rượu là lôi thằng bé ra đánh. Có lần tôi đã báo công an xã tới làm việc nhưng chỉ thấy họ lập biên bản mà chẳng xử lý gì, nên bố đứa bé càng làm tới, gần đây đánh thằng bé còn dã man hơn. Tôi không hiểu vì lý do gì mà công an xã không có các biện pháp hay hình thức xử lý nào. Vì thế, tôi muốn hỏi luật sư trong trường hợp như trên tôi vừa nêu thì pháp luật có hình thức nào để răn đe, xử lý hành vi đánh đập con của người hàng xóm nhà tôi không? Cảm ơn luật sư.

 

 

Trả lời:

Cảm ơn chị đã gửi thắc mắc đến Công ty Luật Hà Thành Asia, với tình huống của chị, căn cứ theo quy định của pháp luật chúng tôi xin được đưa ra tư vấn như sau:

  • Cơ sở pháp lý:

1.           Hiến pháp năm 2013;
2.           Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
3.           Luật trẻ em năm 2016;
4.           Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em do Chính phủ ban hành ngày 29 tháng 10 năm 2013;
Theo đó, hành hạ trẻ em hay còn được gọi là bạo hành trẻ em, bạo lực trẻ em là sử dụng những hành vi bạo lực thể chất và bạo lực tâm lý gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em. Cụ thể hơn tại Luật trẻ em 2016 có quy định “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.”
Tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Như vậy, hành vi bạo hành, hành hạ,… xâm phạm để trẻ em là hành vi vi Hiến.

  • Các hình thức xử phạt hành vi bạo hành trẻ em:

  1. Xử phạt hành chính

  •  Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP thì đối với hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

  • Bên cạnh việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi còn phải chịu thêm về chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.

  1. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, căn cứ vào tính chất của từng sự việc ngược đãi, hành hạ trẻ em mà người phạm tội có thể bị xử phạt với các tội khác nhau, cụ thể:

  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi 2017:

Người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

  • Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 BLHS 2015 sửa đổi 2017:

Cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
 
Do đó, tùy thuộc vào mức độ thực hiện hành vi của mình mà người đàn ông có hành vi bạo hành sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật như trên đây đã đề cập.


Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!