Câu hỏi:

Kính gửi Công ty Luật Hà Thành Asia, em có câu hỏi mong các luật sư giải đáp cho em cùng gia đình:

Gia đình em và gia đình hàng xóm đã nhiều năm mâu thuẫn về cổng ngõ lối đi chung, cổng ngõ này là phần đất do ông cha ngày xưa để lại đến nay chưa có sổ đỏ. Năm 1996 do gia đình em mua được mảnh đất bên cạnh liền kề nên tạm thời xây bao bịt ngăn lối đi đó và sử dụng đi ngõ mới (ngõ của mảnh đất mới mua), khi xây chỉ trao đổi bằng miệng với hàng xóm là chỉ tạm xây ngăn để phòng trộm cắp và cho kín cổng cao tường, do vậy đến nay cũng không có văn vản thoả thuận nào của 2 gia đình về việc xây ngăn đó. Đến năm 1999 và 2005 địa chính xã về đo đạc thì gia đình em không có ở nhà, cho nên địa chính xã họ lầm tưởng gia đình e đã hết đất và quy hết ngõ đi đó cho nhà hàng xóm, sau này xã gọi bố mẹ em lên ký vào bản đồ giáp danh (tất nhiên bản đồ này không thể hiện phần ngõ đi đó là lối đi chung nữa), do không hiểu biết nên bố mẹ em đã ký vào bản đồ giáp danh ở cả 2 thời kỳ 1999 và 2005. Bây giờ gia đình em có nhu cầu sử dụng lối đi thì nhà hàng xóm nói không cho và bảo ngõ đi này nhà họ đã đóng thuế toàn bộ từ hồi 1999 nên không cho gia đình em sử dụng.

Kể từ đó đến nay gia đình em làm đơn lên xã để giải quyết cho gia đình em tiếp tục sử dụng lối đi nhưng xã vẫn chỉ căn cứ vào các bản đồ giáp danh, việc nộp thuế đất và giải quyết ngõ đi thuộc về nhà hàng xóm. Em cũng xin cung cấp thêm là ngoài căn cứ vào 2 bản đồ giáp danh 1999 và 2005 thì xã còn 1 mốc bản đồ năm 1983, xã cũng khẳng định là bản đồ năm 1983 đã không thể hiện lối đi chung của nhà em. Tuy nhiên khi em xin trích lục hồ sơ địa chính thì xã chỉ cung cấp cho em cái bản đồ vẽ thủ công (bản phô tô không có công chứng hay xác nhận nào của các cơ quan khác), khi em hỏi hiện tại bản đồ gốc vẽ thủ công của năm 1983 em nghĩ là sẽ thể hiện nhưng xã bảo cũng không giữ và không còn cấp cơ quan nào giữ vì giờ truyền qua nhiều đời nên thất lạc và mất. Em không đồng ý việc hoà giải như vậy nên làm đơn lên huyện thì huyện bảo về xã và ý của huyện là nếu giải quyết thì cũng lấy kết quả của xã làm căn cứ. 

Vậy em xin hỏi việc xã giải quyết như vậy là đúng hay sai? Và giờ em phải làm thế nào để dành lại quyền sử dụng ngõ đi ấy?

Trả lời:

Công ty Luật Hà Thành Asia xin tả lời bạn như sau:

Giải quyết tranh chấp đất đai giữa các chủ sử dụng đất (gia đình bạn và gia đình hàng xóm) sẽ căn cứ dựa trên quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013, Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Khoản 57 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP. Theo các quy định trên thì trình tự giải quyết tranh chấp đất đai tại xã cụ thể như sau:

Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

-          Bước 1:  Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

-          Bước 2: Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

-          Bước 3: Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

 Trong trường hợp các bên không hòa giải được thì UBND xã có trách nhiệm hướng dẫn người dân hoặc khiếu nại đến UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp quận (huyện). Và trong trường hợp này nếu chọn cách khiếu nại bạn có thể khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch UBND cấp huyện (quận). Nếu Chủ tịch UBND cấp huyện (quận) không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng bạn có thể khiếu nại đến UBND cấp tỉnh (thành phố).

Căn cứ các quy định trên bạn áp dụng trong trường hợp của bạn UBND xã đã thực hiện những thủ tục hòa giải như trên hay chưa để từ đó có phương án xử lý vụ việc.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
 
CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!