Tình huống:
Tôi là người Việt Nam đi Nhật Bản xuất khẩu lao động. Tôi đang có nhu cầu muốn bán nhà ở Việt Nam. Căn nhà là tài sản chung giữa tôi và vợ, vì vậy muốn bán phải có cả hai người cùng ký. Vì một số lí do nên tôi chưa thể về Việt Nam được. Tôi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp là tôi có thể uỷ quyền cho vợ tôi ở Việt Nam thay mặt tôi bán nhà không? Và uỷ quyền bằng cách nào? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời
1. Căn cứ pháp lý.
- Bộ Luật dân sự năm 2015;
- Luật công chứng năm 2014.
2. Nội dung tư vấn.
Căn cứ Điều 195 Bộ luật dân sự năm 2015:
“Điều 195. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu
Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.”
Theo đó, khi bạn không thể về Việt Nam để thực hiện các thủ tục chuyển nhượng căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng bạn thì bạn có thể Uỷ quyền cho vợ bạn thay mặt bạn để làm thủ tục. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản và được công chứng tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện tại bạn đang ở Nhật và vợ bạn đang ở Việt Nam, do đó bạn và vợ không thể cùng đến văn phòng công chứng để lập hợp đồng uỷ quyền công chứng. Vì vậy hợp đồng Uỷ quyền giữa bạn và vợ bạn sẽ được công chứng ở hai nơi khác nhau theo quy định khoản 2, điều 55 Luật công chứng 2014:
“Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”.
Theo Điều 78 Luật công chứng 2014 quy định:
“Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.”
Như vậy, theo quy định trên thì bạn có thể đến Đại sứ quán của Việt Nam tại Nhật bản để công chứng Hợp đồng uỷ quyền sau đó gửi hợp đồng uỷ quyền đó về Việt Nam cho vợ bạn. Sau khi vợ bạn nhận được hợp đồng uỷ quyền trên thì vợ bạn tiếp tục đến các Văn phòng công chứng tại Việt Nam để công chứng một lần nữa. Sau khi đã hoàn thành thủ tục công chứng Hợp đồng uỷ quyền theo đúng quy định vợ bạn có thể thay mặt bạn thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng căn nhà.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật Hà Thành ASIA về trường hợp của bạn. Rất mong nội dung bài viết sẽ hữu ích cho bạn.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website: http://luatsuhathanh.com
http://Congtyluathathanhasia.com
Email : luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trân trọng!