I. Căn cứ để Tòa chấp nhận yêu cầu ly hôn:
Theo quy định tại Điều 55, Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì căn cứ để tòa chấp nhận ly hôn cụ thể như sau:
Đối với trường hợp Thuận tình ly hôn:
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết ly hôn.
Đối với trường hợp Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững và do vợ chồng cùng vun đắp. Nếu một bên không chăm lo gia đình, hơn nữa lại có những thói quen xấu làm thiệt hại kinh tế chung, ảnh hưởng đến việc gây dựng và sự phát triển tính cách của con cái...thì coi như mục đích của hôn nhân không đạt được. Tuy nhiên, nếu vì mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng mà một bên cương quyết ly hôn thì việc Tòa án có chấp nhận yêu cầu ly hôn hay không sẽ phụ thuộc vào sự nhận định của Tòa về tình trạng hôn nhân của vợ chồng dựa trên những căn cứ nêu trên đây. Nếu xét thấy hôn nhân giữa hai bên còn cứu vãn được, Tòa án sẽ bác yêu cầu ly hôn. Ngược lại, nếu đủ căn cứ chứng minh hôn nhân không thể tiếp tục thì Tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu ly hôn. Do đó, nếu bạn không muốn ly hôn, bạn có thể trình bày với Tòa án tình cảm và nguyện vọng đoàn tụ. Tòa án sẽ xem xét để quyết định có chấp nhận yêu cầu ly hôn của chồng bạn hay không.
II. Về quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn:
Tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Về nguyên tắc, việc nuôi con khi ly hôn trước hết do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con, Tòa án sẽ xem xét các yêu tố sau đây để đưa ra quyết định sẽ giao con cho ai nuôi dưỡng:
- Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên có thể dành cho con, các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
- Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.
III. Về vấn đề cấp dưỡng cho con
Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Trong trường hợp hai vợ chồng ly hôn, dù con chung do vợ hay chồng trực tiếp nuôi dưỡng thì người kia cũng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trừ trường hợp hai bên tự nguyện thỏa thuận không yêu cầu cấp dưỡng. Tiền cấp dưỡng nuôi con theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân – Gia đình sẽ được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi con cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh...Mức chi phí cấp dưỡng trước hết do hai vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của con Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng sao cho phù hợp nhất.
Tương tự như mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng cũng được xác định theo nguyên tắc ưu tiên sự thỏa thuận của các bên trước. Các bên có thể thỏa thuận cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án sẽ quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
============================
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website: http://luatsuhathanh.com
http://Congtyluathathanhasia.com
Email : luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trân trọng!