Phòng vệ chính đáng được xem như một căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự khi thực hiện một hành vi xâm phạm đến khách thể mà Bộ luật hình sự bảo vệ. Kế thừa từ các quy định về phòng vệ chính đáng của pháp luật các nước và các văn bản pháp luật trước đây về phòng vệ chính đáng thì đến Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 đã hoàn thiện và quy định cụ thể hơn về phòng vệ chính đáng. Cụ thể tại điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định : “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.” Cùng với đó pháp luật có quy định đối với trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệc chính đáng, theo đó Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. Như vậy, pháp luật đã quy định rõ ràng về phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệc chính đáng, tuy nhiện khi áp dụng thực tế còn nhiều vướng mắc cũng như còn sai sót chưa đúng với tinh thần pháp luật mà điều luật quy định.
          Bộ luật Hình sự 2015 khẳng định phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm và việc phòng vệ chính đáng là hành động phù hợp với lợi ích xã hội. Bản chất của phòng vệ chính đáng là hạn chế thiệt hại do sự tấn công đe doạ và ngăn chặn sự xâm phạm bất hợp pháp. Vì vậy, phòng vệ chính đáng là yếu tố cần thiết trong việc duy trì trật tự xã hội. Theo khoản 1 điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định phòng vệ chính đáng là việc người phòng vệ có hành vi chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các quyền hoặc lợi ích của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Theo đó hành vi chống trả của người phòng vệ phải nhằm vào người đang có hành vi xâm phạm. Sự chống trả có thể nhằm vào trực tiếp người có hành vi xâm phạm hoặc công cụ, phương tiện phạm tội của người có hành vi xâm phạm sử dụng để gây thiệt hại. Để xem xét rõ ràng hành vi có được coi là cần thiết hay quá đáng hay không cần phải xem xét đến những tình tiết có liên quan như: khách thể cần bảo vệ, mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm có thể gây ra hoặc có thể gây ra, mức độ thiệt hại do hành vi phòng vệ gây ra, vũ khí, công cụ, phương tiện sử dụng và cường độ của sự tấn công của sự phòng vệ, tâm lý của người phòng vệ, hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc,… để đánh giá chính xác hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không.
 
Bạn hiểu sao về phòng vệ chính đáng - Luật Hà Thành Asia - 19008963

          Hiện chưa có một văn bản nào quy định cụ thể hành vi như thế nào, trong tình huống cụ thể nào được xem là phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên trước đây, trong Nghị quyết 02/1986/NQ-HĐTP có một số quy định về hành vi phòng vệ chính đáng này và trên thực tiễn các quy định này vẫn có tính chất tham khảo phù hợp nhất định trong việc áp dụng phòng vệ chính đáng. Theo nghị quyết trên, một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng khi đảm bảo các yếu tố:
“Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây:
  1. Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội
  2. Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ
  3. Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự de dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại
  4. Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệnh quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại
Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhở hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.”
          Theo quy định trên và thực tế xét xử trên thực tế có thể xem xét một hành vi có được xem là phòng vệ chính đáng hay không, cần xem xét toàn diện các mặt xoay quanh hành vi đó cần đảm bảo các điều kiện sau:
          Thứ nhất, nạn nhân ( người bị hành vi phòng vệ chính đáng xâm hại lợi ích) phải là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác.
          Có nghĩa là hành vi xâm hại của nạn nhân phải đang được diễn ra trên thực tế. Hành vi được coi là phòng vệ chính đáng trước hết là hành vi được thực hiện trong khi đang có hành vi xâm phạm hay được hiểu là hành vi hành vi trái pháp luật và hành vi xâm phạm ở đây phải đã được bắt đầu và chưa kết thúc. Hành vi xâm phạm đã bắt đầu có nghĩa là hành vi xâm phạm đã được thực hiện một phần như A cầm dao đuổi chém B, hành vi ở đây đã bắt đầu là hành vi A đã cầm dao và đuổi chém B. Hành vi xâm phạm chưa kết thúc được hiểu rằng người thực hiện hành vi xâm phạm đã thực hiện xong hoặc đã chấm dứt thực hiện vi xâm phạm, ví dụ A cầm dao đuổi chém B nhưng B chạy thoát và A không đuổi chém B nữa, thấy vậy B quay lại cầm gạch ném vào đầu A, như vậy hành vi của B không được coi là phòng vệ chính đáng.
          Bên cạnh đó yếu tố cần thiết được pháp luật đề ra khi xác định hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không, để xác định yếu tố cần thiết của sự chống trả trước hết phải căn cứ vào tính chất của các lợi ích bị xâm phạm hoặc sẽ bị xâm phạm, tính chất của hành vi xâm phạm và các mối tương quan khác giữa hành vi xâm phạm và hành vi phòng vệ. Hành vi xâm phạm phải là hành vi vi phạm và có tính chất nguy hiểm đáng kể. Nếu hành vi xâm phạm không đạt đến mức đang kể thì hành vi xâm hại cũng không được xem là hành vi cần thiết. Ví dụ: A tát B một cái và đang còn có ý định tát nữa thì B rút dao ra đâm A. Trong trường hợp này hành vi của B sẽ không được xem là phòng vệ chính đáng.
          Thứ hai, mức cần thiết của hành vi phòng vệ chính đáng không phải là ngang bằng theo xác định của toán học như bên gây thiệt hại như nào thì bên phòng vệ cũng gây thiệt hai như thế. Sự cần thiết ở đây là thể hiện sự không thể chống trả, không thể bỏ qua trước hành vi xâm phạm đến lợi ích của bản thân, của xã hội. Sự cần thiết còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, lợi ích bị xâm hại càng quan trọng thì hành vi chống trả có thể càng mạnh mẽ, hành vi xâm phạm càng nguy hiểm thì hành vi chống trả có thể càng quyết liệt. Điều luật không quy định cụ thể như nào là cần thiết, vì vậy để đánh giá thế nào là cần thiết thì cần phải căn cứ vào các yếu tố bên cạnh hành vi xâm phạm như mối tương quan lực lượng, thời gian, không gian xảy ra sự việc.
          Thứ ba, về phía người thực hiện hành vi phòng vệ.
Người thực hiện hành vi phòng vệ không nhất định là người đang có lợi ích bị xâm hại mà có thể là người thực hiện hành vi phòng vệ để bảo vệ các lợi ích khác đang bị xâm hại. Bên cạnh đó, hành vi chống trả, hành vi phòng vệ của người này phải là đối với người đang thực hiện hành vi xâm phạm, nếu xâm hại đến hành vi của người khác thì không được xem là phòng vệ chính đáng.
Ví dụ: A thấy B đang đánh con của mình, thấy con của B đang đứng đấy nên A đánh con của B để nhằm mục đích không cho B đánh con mình nữa. Trong trường hợp này, hành vi của A không được coi là phòng vệ chính đáng.
          Thứ tư, khi hành vi phòng vệ vượt quá quy định trên thì không được coi là phòng vệ chính đáng mà tuỳ vào từng tình huống thì có thể coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay hành vi vượt quá đó thu hút vào một tội danh cụ thể. Căn cứ khoản 2 điều 22 Bộ luật hình sự 2015 thì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại và hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy trước tiên hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi chống trả quá mức cần thiết như đã phân tích ở trên được hiểu là trong hoàn cảnh xảy ra, người chống trả có hành vi hay sử dụng công cụ phương tiện, phương pháp chống trả gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với hành vi xâm phạm thì coi hành vi chống trả là không cần thiết và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Ví dụ: “A cầm gậy đánh B nhưng B túm được cây gậy và tước được cây gậy từ A, do bực tức, B cầm gậy đánh vào đầu A và khiến A thương tích nặng” . Như trong tình huống này, hành vi A cầm gậy đánh B là hành vi vi phạm pháp luật và hành vi tước cây gậy của B là phòng vệ chính đáng tuy nhiên khi đã tước được cây gậy tức là hành vi xâm phạm của A không còn đe doạ đến B nữa nhưng do tức giận B lấy cây gậy tước được từ A đánh vào đầu và khiến A bị thương nặng là hành vi vượt quá mức cần thiết của phòng vệ và được coi là vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Trong thực tế, xảy ra rất nhiều trường hợp người chống trả sau khi đã thoát khỏi sự đe doạ xâm phạm hay đã chống trả khiến người xâm phạm không còn khả năng đe doạ xâm phạm đến quyền, lợi ích của mình, của người khác, lợi ích xã nội nữa nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người xâm phạm. Đây được coi là hành vi chống trả không cần thiết hay quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm.
          Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà nó còn thể hiện thái độ chống trả để bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Phòng vệ chính đáng là quyền công dân, quyền con người để bảo vệ các lợi ích nói trên và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, gianh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là rất mong manh vì vậy khi áp dụng pháp luật đòi hỏi những cơ quan có thẩm quyền phải xem xét một cách toàn diện tất cả các tình tiết, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi hay tâm lý, thái độ của người phòng vệ khi xảy ra sự việc.
 

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!