Căn cứ pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015
- Luật hôn nhân gia đình năm 2014
- Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC
- Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP
Tư vấn
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Hà Thành Asia, với nội dung bạn đã cung cấp chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:Ngoại tình là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong xã hội, tuy nhiên thuật ngữ này lại không được luật hóa cụ thể. Theo một cách đơn giản nhất, thì ngoại tình được hiểu là việc một người có mối quan hệ yêu đương bất chính khi đang có vợ hoặc chồng. Hành vi này có thể dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, thậm chí có trường hợp ghen tuông mùa quáng mà dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho gia đình và cho xã hội.
Do vậy, pháp luật của Việt Nam luôn có các quy định nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng. Thậm chí pháp luật còn quy định người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng tùy trường hợp mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị TCTNHS.
1. Đang có vợ mà ngoại tình có thể bị TCTNHS
Tại điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.
Theo quy đinh trên, thì hành vi khách quan của tội này là việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng. Trong đó:
+ Theo khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình (LHNGĐ) năm 2014 thì kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của LHNGĐ năm 2014 về điều kiện kết hôn (Điều 8) và đăng ký kết hôn (Điều 9).
+ Chung sống như vợ chồng được quy định tại tiểu mục 3.1 mục 3 của Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC theo đó, chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Người thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng chỉ có thể bị TCTNHS khi hành vi đó làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc hành vi này đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm.
2. Đang có vợ mà ngoại tình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính
Tại điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP quy định như sau:“Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ…”
Nếu như hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP, theo đó mức phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Hà Thành Asia về câu hỏi đang có vợ mà ngoại tình bị phạt thế nào?.
Một lưu ý, đây là trường hợp vụ việc có tính chất tham khảo, còn tùy nội dung vụ việc cụ thể của khách hàng mà chúng tôi sẽ có những tư vấn cụ thể và chính xác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Liên hệ để được tư vấn ngay. Tổng đài tư vấn miễn phí 1900 8963.
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website: http://luatsuhathanh.com
http://Congtyluathathanhasia.com
Email : luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trân trọng!