Căn cứ:

  • Luật Đầu tư năm 2014;
  • Nghị định số 118/2015/NĐ-CP;
  • Nghị định số 104/2007/NĐ-CP.

Nội dung tư vấn:

1. Đòi nợ thuê là gì?

Có 2 cách hiểu khác nhau:

Thứ nhất, đối với cách hiểu thông thường và nôm na nhất là việc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện một hành vi là đòi nợ con nợ theo yêu cầu của chủ nợ. Đối với cách hiểu này không sai vì bản chất đòi nợ thuê là một ngành dịch vụ đòi nợ, nhưng nó chưa diễn tả đủ về dịch vụ đòi nợ thuê mà pháp luật quy định ở Nghị định số 104/2007/NĐ-CP. Cách hiểu này có phần tiêu cực về ngành dịch vụ đòi nợ, thông thường sẽ nghĩ đòi nợ thuê là dịch vụ đòi nợ sử dụng vũ lực, dùng biện pháp mạnh để đe dọa đến tính mạng, nhân phẩm của con nợ buộc con nợ phải trả tiền. Đây là cách nghĩ đầu tiên khi nghe đến đòi nợ thuê mà một người chưa tìm hiểu về dịch vụ này. Cũng dễ dàng để hiểu tại sao phần lớn mọi người lại có khái niệm đòi nợ thuê như vậy, vì đòi nợ thuê là một ngành đặc thù, bởi lẽ những khoản nợ mà chủ nợ nhờ đòi thường là những khoản nợ đã đi vào bế tắc,“khó đòi”, ‘nợ quá hạn’, “nợ lâu năm” tồn tại nhiều rủi ro và ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp nhiều khi khó kiểm soát, và chủ nợ lâm vào hoàn cảnh không biết cách nào để đòi lại tiền, đành sử dụng các băng nhóm xã hội bên ngoài không được kiểm soát thái độ, hành vi, ứng xử, trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Chính điều này đã làm cho nghề dịch vụ đòi nợ bị hiểu nhầm là “xã hội đen”, bất hợp pháp…Nguyên nhân thứ hai là do ở Việt Nam, nghề đòi nợ thuê được hình thành từ lâu với các kiểu hoạt động của các băng nhóm xã hội đen nên hình ảnh xấu về ngành này vẫn ăn sâu vào đại đa số mọi người, đây là một ngành kinh doanh dịch vụ khá mới mẻ và nhạy cảm ở Việt Nam.
 
Thứ hai, đối với những người hoạt động trong ngành dịch vụ đòi nợ, những người am hiểu pháp luật hoặc khách hàng đã sử dụng dịch vụ đòi nợ uy tín thì sẽ có khái niệm đòi nợ thuê hoàn toàn khác. Theo đó, đòi nợ thuê là một ngành dịch vụ mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức được pháp luật cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện hoạt động đòi nợ trong khuôn khổ pháp luật. Chức năng của các tổ chức này là đại diện cho khách hàng đi đàm phán, sẽ đóng vai trò thương thảo; tư vấn kinh tế, pháp luật cho khách hàng. Tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ đóng vai trò: phân tích nợ, phân tích khả năng tài chính hay tư vấn sử dụng nghiệp vụ cùng các mối quan hệ để việc thu hồi nợ diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, an toàn nhất có thể cho khách hàng. Trước khi đòi nợ thay cho khách hàng, tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ thu thập, phân tích thông tin, đối chiếu số liệu, xác định tính xác thực của khoản nợ. Khi đã xác định được khoản nợ, tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải thông báo cho khách nợ việc mình được ủy quyền đòi nợ rồi tiến tới thỏa thuận, đàm phán và áp dụng các biện pháp thích hợp để đòi nợ.
 
2. Đòi nợ thuê có phải ngành nghề hợp pháp hay không?
Nếu theo cách hiểu thứ nhất thì lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng việc đòi nợ thuê là một hành vi vi phạm pháp luật, nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Pháp luật hiện hành đã hợp pháp hóa hoạt động đòi nợ thuê dưới danh nghĩa là dịch vụ đòi nợ. Cụ thể, tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê. Qua đó công nhận đòi nợ thuê là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tức là các chủ thể muốn thực hiện hoạt động kinh doanh đòi nợ thì phải thỏa mãn những điều kiện chặt chẽ mà pháp luật quy định nhằm đảm bảo an toàn, trật tự và ổn định xã hội.
Pháp luật cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng đồng thời cũng quy định hoạt động của các công ty đòi nợ thuê chỉ được diễn ra trong khuôn phép của những quy định pháp luật. Hoạt động đòi nợ không được làm tổn hại và xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của những khách nợ, đồng thời cũng không được gây mất trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên trong thực tế, hoạt động đòi nợ thuê đã có nhiều biến tướng nguy hiểm khi các đối tượng giang hồ đội lốt dưới danh nghĩa các công ty đòi nợ thuê để thực hiện hoạt động đòi nợ. Thậm chí một số đối tượng còn ngang nhiên quảng bá, phô trương thanh thế khi lập fanpage, đăng hình ảnh, video clip về những lần đi đòi nợ lên mạng internet gây hoang mang và tuyên truyền những suy nghĩ tiêu cực cho dư luận.
Đòi nợ là hợp pháp và việc các chủ nợ nhờ các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ để đòi nợ cũng là hợp pháp. Nhưng với bản tính côn đồ hung hãn, các đối tượng đòi nợ thuê thường có những hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần thậm chí là hành hung, gây thương tích cho những con nợ trong quá trình thu hồi nợ. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật và các đối tượng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 
Đòi nợ thuê có phải nghề hợp pháp?

3. Điều kiện được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Điều kiện về vốn
Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợn là 2.000.000.000 (Hai tỷ đồng).
Trong suốt quá trình hoạt động, công ty phải duy trì mức vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định.

Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh
  • Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
  • Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh;
  • Không có tiền án;
  • Những người đã làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thoả mãn thêm điều kiện: trong ba năm trước liền kề, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
  • Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, làm nhục người khác.

Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ
  • Người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 06 tháng trở lên;
  • Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
  • Có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh;
  • Không có tiền án.
Điều kiện về anh ninh trật tự kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Sau khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ, công ty phải xin giấy phép đủ điều kiện về anh ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì mới có thể hoạt động được.
 
Trên đây là thông tin tư vấn về Kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Hy vọng bài viết có ích cho bạn đọc!


 

=========================================

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY  LUẬT HÀ THÀNH ASIA – Hotline miễn phí: 1900 8963
Website:  http://luatsuhathanh.com
                http://Congtyluathathanhasia.com
Email :     luathathanhasia@gmail.com
Facebook : https://www.facebook.com/luatsuhathanh
Địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường Thụy Phương, P. Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
 
Trân trọng!